Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững góp phần bảo đảm an sinh xã hội
- Tây Y
- 06:00 - 30/07/2019
Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế
Sáng 29/7, tại thành phố Huế đã diễn ra Lễ Khai mạc “Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế” với chủ đề “Nông nghiệp Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, an toàn, ứng dụng công nghệ cao”.
Tham dự khai mạc Hội nghị có ông Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Murooka Naomi chi - Phó trưởng đại diện Văn phòng Jaica tại Việt Nam và hơn 400 đại biểu là các đại biểu quản lý nhà nước, các doanh nghiệp,….
Ông Nguyễn Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Thừa Thiên Huế có đặc điểm về địa hình đa dạng và phong phú, có cả ba vùng: đồng bằng, trung du – miền núi và biển, đầm phá; diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 70 nghìn ha; diện tích rừng gần 335 nghìn ha, có tính đa dạng sinh học cao; diện tích nuôi trồng thủy hải sản hơn 7.400ha. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 170.000 người hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Theo ông Thọ, trong những năm qua, cùng với việc thực hiện các chính sách của Trung ương về Tam nông, Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh. Nhờ vậy đã tạo ra nhiều chuyển biển tích cực. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2009 – 2018 bình quân 4,65% năm. Tỉnh cũng đầu tư cơ sở có trọng điểm theo hướng ưu tiên phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ câu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập thực tế của người dân, đảm bảo an sinh xã hội. khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc, góp phần đẩy nhan tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.
Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp Thừa Thiên Huế chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và chưa thật sự hiệu quả, bền vững. Do đó, hiện nay Thừa Thiên Huế đang tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao tại các vùng sinh thái; đẩy mạnh xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Mặt khác, Thừa Thiên Huế cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực quản trị và lao động có kỹ thuật, tay nghề cao phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng, phát triển nông thôn theo yêu cầu mới. Đồng thời, phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, tâm linh tại vùng nông nghiệp, nông thôn của tỉnh; triển khai nhiều chương trình hành động hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với chuỗi giá trị.
Cũng theo ông Thọ, trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng danh mục các dự án với nội dung, quy mô, mục tiêu cụ thể, cùng với chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, như: các dự án nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng công nghệ cao; các dự án chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao; dự án nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao kết hợp các biện pháp quản lý tiên tiến, thân thiện với môi trường; phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC, trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Ưu tiên thu hút các tổ chức, cá nhân vào đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm để làm tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, Thừa Thiên Huế có đầy đủ các yếu tố, điều kiện để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, an toàn. Ông Cường đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời điểm biến đổi khí hậu đang có những diễn biến phức tạp, cực đoan. Ông Cường cho rằng, chúng ta phải có những thay đổi để thích ứng với sự biến đổi đó, đồng thời xây dựng được một nền kinh tế ổn định, bền vững gắn với bảo vệ môi trường chung.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thừa Thiên Huế xây dựng nền nông nghiệp theo 8 định hướng: Xây dựng 1 nền nông nghiệp đa dạng dựa trên sự đa dạng sinh học, địa hình, thổ nhưỡng; xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ nhưng không cực đoan; nông nghiệp đặc sản; nông nghiệp hướng đến văn hóa du lịch; nền nông nghiệp gắn với định hướng bốn mùa lễ hội; nông nghiệp phục vụ chính cho chuỗi ẩm thực. Đặc biệt, xây dựng nền nông nghiệp gắn với kinh tế nông thôn. Chủ nhân của nền nông nghiệp bền vững phải là người dân
Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ nhưng không quá cực đoan
Để thực hiện được những mục tiêu trên, ông Cường yêu cầu Thừa Thiên Huế rà soát lại các quy hoạch cơ cấu ngành kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp – nông thôn; xây dựng cơ chế, chính sách cầu thị, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư.
Hội nghị cũng đã được nghe tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng, định hướng về phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn và ứng dụng công nghệ cao.
Thừa Thiên Huế cần loại bỏ những mô hình nuôi tôm trên cát nằm ngoài quy hoạch như tại xã Lộc Vĩnh nếu muốn phát triển nông nghiệp bền vững và an toàn
Dịp này, Thừa Thiên Huế cũng đã trao cá Quyết định chủ trương đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho các nhà đầu tư, đầu tư vào địa bàn tỉnh.