Thừa Thiên Huế triển khai mô hình Tổ Y tế lưu động cấp xã, tổ chức tuần cao điểm kiểm tra quét thẻ QR
- Y học 360
- 14:14 - 06/12/2021
- Thừa Thiên Huế tiếp nhận 500 suất quà cứu trợ khẩn cấp cho người dân khi xảy ra thiên tai
- Hàng triệu túi an sinh được trao đến tay người dân khó khăn tại Thừa Thiên Huế
- Ngày 28/11: Thừa Thiên Huế ghi nhận 136 ca mắc Covid-19, hơn 1 triệu người được tiêm vaccine
- Thừa Thiên Huế yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên
Kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý, theo dõi, giám sát y tế và tổ chức chăm sóc sức khỏe cho người mắc Covid-19 (F0) không triệu chứng tại nhà, góp phần giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các đơn vị thu dung, điều trị.
Theo đó, tất cả các địa phương phải thành lập Tổ Y tế lưu động, sẵn sàng kích hoạt khi có các đối tượng F0 cách ly tại nhà trên địa bàn thôn/tổ dân phố/cụm dân cư.
Nếu tại địa bàn phường, xã phát hiện có F0 cần cách ly thì phải kích hoạt ngay 1 Tổ y tế lưu động để quản lý, chăm sóc F0 tại nhà; đảm bảo mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm Covid-19 được cách ly tại nhà thì có một Tổ Y tế lưu động.
Tổ Y tế lưu động là một tổ chức thuộc Trạm y tế, chịu sự quản lý toàn diện, điều hành trực tiếp của Trưởng Trạm y tế và Giám đốc Trung tâm Y tế tuyến huyện. Có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.
Tùy theo điều kiện của địa bàn, UBND cấp xã chọn một cơ sở phù hợp cho Tổ y tế lưu động làm việc, có thể lựa chọn nhà văn hóa tổ dân phố, trường học, trung tâm thể thao, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn... Trong trường hợp trên địa bàn không thể chọn được các công trình sẵn có thì xem xét làm nhà dã chiến, nhà di động để phục vụ cho Tổ hoạt động.
Tùy theo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, mỗi xã/phường/thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều Tổ y tế lưu động. Một Tổ y tế lưu động được giao phụ trách một cụm dân cư, có thể là các tổ dân phố của các phường khác nhau, không phụ thuộc địa giới hành chính.
Trung tâm Y tế tuyến huyện và lực lượng hỗ trợ bố trí đủ nhân lực cho Tổ Y tế lưu động hoạt động. Mỗi Tổ Y tế lưu động có tối thiểu 5 người, trong đó có 1 cán bộ có trình độ Cao đẳng y tế trở lên, 1 cán bộ y tế địa phương; 2 người là lực lượng huy động của địa phương; có từ 1-2 sinh viên/học viên y khoa. Tổ phải có tối thiểu 1 nhân viên y tế nắm rõ địa bàn dân cư được giao.
Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn. Trong trường hợp nguồn nhân lực y tế tại địa phương không đáp ứng đủ, huy động thêm nhân viên y tế và các tình nguyện viên từ địa phương khác.
Cũng trong ngày 1/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Tổ Phòng, chống dịch cộng đồng. Mỗi Tổ sẽ được hỗ trợ 1 triệu hoặc 2 triệu đồng/Tổ/tháng tùy vào địa bàn và các vùng được phân loại dịch.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tiến hành rà soát và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ... trên địa bàn gỡ bỏ mã QR cũ để thống nhất triển khai giải pháp quét QR trên Thẻ kiểm soát dịch bệnh hoặc ứng dụng PC-COVID. Rà soát, đánh giá hiệu quả việc triển khai giải pháp giám sát mã QR tại cơ quan, đơn vị, tập trung vào các nội dung: Vị trí triển khai quét mã QR, nhân sự thực hiện việc giám sát, hệ thống tự giám sát người ra vào cơ quan; tỷ lệ người vào ra cơ quan được giám sát quét QR. Kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc triển khai và giám sát việc quét QR người ra vào đơn vị.
Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế phổ biến, triển khai thống nhất giải pháp quét mã QR trên Thẻ kiểm soát dịch bệnh và ứng dụng PC-COVID trên địa bàn. Tổ chức các đoàn kiểm tra, nhắc nhở yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở chưa triển khai đúng giải pháp giám sát QR; có hình thức xử phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm quy định.
Tổ chức Tuần cao điểm (từ ngày 6/12 đến ngày 12/12) kiểm tra việc thực hiện quét mã QR trên Thẻ kiểm soát dịch bệnh và ứng dụng PC-COVID của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, tập trung ở các địa điểm như: quán cafe, nhà hàng, quán ăn và các quán ăn uống có bán đồ uống có cồn...