Thừa Thiên Huế: Trắng tay sau bão Molave
- Y học 360
- 00:58 - 30/10/2020
Thành quả 13 năm bị cuốn phăng trong giây lát
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cao su nội đồng 13 năm tuổi của gia đình 1 ngày sau bão số 9 đi qua, ông Huỳnh Hoàng (76 tuổi, trú thôn Hà An, xã Hương Phú, huyện Nam Đông) không khỏi xót xa: "13 năm trồng, chăm sóc, mới được thu hoạch 3 năm nay. Cả vườn cao su chuẩn bị bước vào chu kỳ cho mủ nhiều nhất, giờ bị gió bão làm gãy, bật gốc la liệt, thiệt hại gần như 100%".
Ông Hoàng cho biết, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân tại xã Hương Phú bắt đầu trồng cây cao su từ năm 1993. Theo kỹ thuật được hướng dẫn, phải đến khi cây cao su đủ 10 năm tuổi, người dân mới bắt đầu khai thác mủ và từ năm thứ 4 trở đi là chu kỳ loại cây này cho mủ nhiều nhất. Thế nhưng, người tính không bằng trời tính, vào cuối tháng 9 đầu tháng 10/2006, cơn bão số 6, hay còn có tên quốc tế là bão Xangsane đổ bộ vào khu vực miền Trung đã phá huỷ nhiều thứ.
Thời điểm đó, huyện miền núi Nam Đông là địa phương phải chịu sức tàn phá nặng nhất tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có 500/700ha cây cao su toàn huyện bị gãy, đổ. Hơn 1,4ha cao su nội đồng của gia đình ông Hoàng năm đó cũng bị thiệt hại hoàn toàn.
Gượng dậy sau cơn cuồng phong Xangsane, người dân Nam Đông nói chung, gia đình ông Huỳnh Hoàng nói riêng lại tiếp tục trồng cây, gây rừng. Vườn cao su mới trồng từ năm 2007 hợp đất cùng sức người chăm sóc đã vươn xanh nhanh chóng. Nhưng "như một chu kỳ 13 năm gây trồng và 3 năm thu hoạch bói trùng hợp đến kỳ lạ. Sức gió của cơn bão số 9 năm nay lại phá huỷ đi công sức bao năm của gia đình", ông Hoàng đúc rút những lời gan ruột đắng cay.
Theo tính toán của ông Hoàng, một ngày vườn cao su nội đồng của gia đình cho nguồn thu khoảng 600 ngàn đồng. Một tháng có 20 ngày cây cho cạo và thu mủ. Như vậy bình quân, gia đình ông Hoàng có 12 triệu đồng từ cây cao su. "Tổng nguồn thu 3 năm khai thác mủ ban đầu, kể cả không trừ các khoản chi phí, thì chưa đủ bù lại tiền vốn mua cây, phân bón, công trồng, chăm sóc trong suốt 10 năm cho đến ngày bắt đầu thu bói", ông Hoàng cho biết.
Bên cạnh vườn cao su, gia đình ông Hoàng còn có hơn 0,5ha vườn chuối, vườn cam đang cho quả cùng vườn mía tím đang bước vào giai đoạn chín bị ảnh hưởng bởi cơn bão Molave.
Theo một cán bộ xã Hương Phú, bên cạnh gia đình ông Huỳnh Hoàng, tại địa bàn xã còn rất nhiều hộ dân khác chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 9 gây ra. Riêng cây cao su, toàn xã Hương Phú có khoảng 400 hộ tham gia trồng với gần 500ha, trong đó cây cao su nội đồng tại ba thôn: Hà An, Đa Phú, Phú Nam khoảng 32ha, bị thiệt hại bình quân hơn 50%.
Đi theo người dẫn đường trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi nhận thấy sức tàn phá ghê gớm của bão số 9 tại địa bàn xã Hương Phú. Từ nhà sinh hoạt cộng đồng, trụ sở UBND xã bị tốc mái đến nhà dân bị hư hỏng; vườn, đồi cây các loại gãy đổ la liệt.
10/10 xã, thị trấn đều bị thiệt hại
Theo Ban chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng của bão số 9, tại Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to, với lượng phổ biến 80-270mm. Riêng tại trạm Thượng Nhật thời điểm cao nhất đo được lượng mưa lên đến 338mm, trạm Nam Đông là 486mm.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết: để đảm bảo an toàn cho người dân ở những vùng có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai, huyện Nam Đông đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện sơ tán 1.595 hộ với 5.395 nhân khẩu đến nơi an toàn. Các xã, thị trấn cũng đã triển khai và thực hiện tốt phương án ứng phó, xử lý tình hình mưa, lũ, bão. Đồng thời, chuẩn bị phương tiện, dụng cụ, lực lượng để sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão nên trên địa bàn huyện đã có gió giật mạnh kèm mưa to đã gây ra thiệt hại lớn cho người dân. "10 trên 10 xã, thị trấn của huyện đều có thiệt hại về nhà cửa, cây trồng các loại, trong đó Hương Phú là xã chịu thiệt hại nhiều nhất", ông Hồ cho biết.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Nam Đông trong buổi làm việc với ông Lê Trường Lưu, Bí thư tỉnh Uỷ Thừa Thiên Huế, đến sáng 29/10, toàn huyện có 5 nhà bị sập hoàn toàn, hơn 400 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng; 5 trường học và trụ sở cơ quan bị tốc mái.
Mưa lũ cũng đã làm sạt lở hơn 20 điểm tại các tuyến đường giao thông, đường dân sinh trên địa bàn huyện Nam Đông; 16 điểm cầu, cống trên đường sản xuất bị sói lở, hư hỏng; 4 điểm đập thuỷ lợi đầu mối bị hư hỏng và hơn 1km kênh mương bị nước lũ cuốn trôi. Đặc biệt, nước lũ đã gây sạt lở đất dọc bờ sông, suối hơn 3,6km, ăn sâu vào từ 7 - 10m, áp sát nhà dân; gần 3ha đất sản xuất, ruộng bị đất đá vùi lấp.
Thống kê sở bộ của huyện Nam Đông cũng cho thấy, toàn huyện có hơn 2.500ha rừng trồng (keo), 1.500ha cây cao su đang khai thác bị gãy đổ; gần 30 ha rau màu các loại; hơn 25 ha cây hàng năm; hơn 10 ha cây ăn quả bị bị thiệt hại; 20 con gia súc (trâu, bò, lợn), 740 con gia cầm bị chết do ngập lụt và hơn 30 ha ao cá bị nước cuốn trôi; 5 nhà lưới, nhà màn bị hư hỏng…
Hiện, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục kiểm tra, thống kê và chắc chắn con số thiệt hại.
"Sau khi bão đi qua, các lực lượng chức năng, chính quyền các xã, thị trấn đã tập trung giúp dân dọn dẹp vệ sinh, thu dọn cây đổ ra đường; đồng thời giúp người dân sửa chửa nhà cửa, khắc phục bước đầu thiệt hại để ổn định cuộc sống", ông Nguyễn Thanh Hồ cho biết.
Sáng 29/10, kiểm tra thực tế vào làm việc với lãnh đạo huyện Nam Đông, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, ông Lê Trường Lưu chỉ đạo địa phương tập trung mọi lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra. Nhận định tình hình sạt lở có nguy cơ xảy ra, ông lưu yêu cầu huyện Nam Đông tổ chức khảo sát, trong đó có thể thuê chuyên gia để khảo sát tình hình địa chất tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở trên địa bàn huyện, để có giải pháp xử lý nhằm không để xảy ra tình trạng sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau cơn bão, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu UBND huyện Nam Đông tập trung khắc phục, xử lý những thiệt hại bước đầu; tiếp tục nắm bắt lại tình hình đời sống bà con nhân dân, xem có thiệt hại gì để có hướng xử lý, hỗ trợ tiếp theo; với các hộ dân khó khăn, cần huy động các lực lượng để hỗ trợ, giúp đỡ người dân sớm ổn định đời sống...
Bên cạnh đó Huyện cần thống kê, nắm lại số liệu thiệt hại của người dân, trong đó có các loại cây trồng như cao su, keo, tràm…; có giải pháp xử lý cây cao su bị gãy đổ. Đồng thời qua đây cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm trong việc tính toán việc trồng cây gì để thích ứng với thiên tai trên địa bàn huyện Nam Đông.
Một số hình ảnh PV ghi nhận tại huyện miền núi Nam Đông