Thừa Thiên Huế sẽ di dời khoảng 4.200 hộ dân trong vùng lõi di sản
- Tây Y
- 01:49 - 09/10/2018
Những ngôi nhà "xâm phạm" di sản như thế này sẽ sớm được di dời, giải tỏa
Chiều ngày 8/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ để thông báo kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 và một số nhiệm vụ trọng tâm các tháng tiếp theo. Hội nghị đã được lắng nghe và trao đổi nhiều thông tin nóng xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua.liên quan đến các vấn đề, như: công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý nhà công sản, công tác giải phóng mặt bằng,..
Liên quan đến công tác di dời, giải phóng mặt bằng, Hội nghị đã được nghe đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TT BTDTCĐ) trình bày về kế hoạch di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I di tích Kinh thành Huế.
Ông Phan Văn Tuấn – Phó Giám đốc TT BTDTCĐ Huế cho biết, để tiếp tục thực hiện công tác phục hồi, tôn tạo, bảo vệ và phát huy di sản Cố đô Huế; thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về đề xuất cơ chế đặc thù di dời, hỗ trợ tái định cư các hộ dân trong khu vực I di tích Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thực hiện khảo sát hiện trạng sử dụng đất, thực trạng đời sống dân cư trình các Bộ ngành và Thủ tướng xem xét hỗ trợ.
Theo phương án di dời, dự kiến sẽ có 4.201 hộ dân thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế được thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2021 và chia làm 2 giai đoạn. Tổng kinh phí di dời, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là khoảng hơn 2.800 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện, tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Trung ương hỗ trợ.
Khu vực được ưu tiên tập trung thực hiện di dời trước là phạm vi di tích thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ. Tiếp đến là các di tích còn lại như: Hồ Tịnh Tâm và Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ và hệ thống hồ thuộc 4 phường nội thành cùng di tích Trần Bình Đài.
Đồng thời, địa phương cũng sẽ bố trí kinh phí để đầu tư hạ tầng khu dân cư mới để chuẩn bị phục vụ tái định cư trước khi di dời dân cư. Khu tái định cư mới có diện tích khoảng 73ha tại phường Hương Sơ (TP. Huế). Ông Tuấn cho biết, khu tái định cư mới phải đảm bảo các yếu tố cơ bản về hạ tầng kỹ thuật (giải phóng mặt bằng, san nền, đường giao thông, cấp thoát nước, điện,..) và các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng hơn 1.360 tỷ đồng.
Ông Hoàng Ngọc Khanh - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, vấn đề di dời các hộ dân cư trong vùng lõi di tích Kinh thành Huế là một câu chuyện đã kéo dài suốt 20 năm qua. Hầu hết các hộ dân sinh sống trong khu vực I di tích không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ và xây dựng nhà trên công trình di tích, làm nhà chồ trên mặt nước. Do đó, nếu chiếu theo quy định hiện hành, thì các trường hợp này không được bồi thường về đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân tại khu vực nói trên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thành phần dân cư phần lớn là lao động phổ thông nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Do đó, để giúp người dân có điều kiện xây dựng nhà cửa, ổn định đời sống dân sinh, theo phương án di dời, giải tỏa dự kiến, Thừa Thiên Huế kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và kinh phí di dời của Trung ương.
Được biết, trong giai đoạn từ 1996 – 2018, Thừa Thiên Huế cũng đã thực hiện di dời được 1.050 hộ dân tại các khu vực di tích, như: Eo bầu phía Nam Kinh thành, hai bên bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, Lầu Tàng Thơ, thượng thành,..