Thừa Thiên - Huế: Phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương
- Tây Y
- 00:51 - 24/05/2019
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra công tác phòng, chống, xử lý, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Quảng Điền. Ảnh: Ngọc Minh
Theo Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, tính đến ngày 21/5, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 18 hộ dân ở 14 thôn, 8 xã thuộc 4 huyện (Phong Điền, Hương Trà, TP. Huế, Hương Thủy). Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 181 con, trọng lượng 13.351 kg. Trong sáng 22/5, ghi nhận thêm 6 xã có dịch gồm: Thủy Thanh (Hương Thủy), Phú Thượng (Phú Vang); Quảng Thọ, Quảng Lợi, Quảng Phú (Quảng Điền). Riêng Phong Chương, Phong Thu (Phong Điền), Thủy Tân (Hương Thủy) đang lấy mẫu gửi xét nghiệm.
Đặc biệt tại huyện Phong Điền, ngày 11/5, địa phương này đã công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên đến nay, một số bệnh khác vẫn xảy ra trên đàn lợn làm chết 17 con, trong đó 13 lợn nái và 4 con lợn thịt. Trong đó, tại thôn Đông Lâm và thôn Phò Ninh (xã Phong An), 6 hộ dân có 5 lợn nái và 2 lợn thịt bị chết, thôn Vĩnh Nguyên (thị trấn Phong Điền) có 2 hộ nuôi bị chết 2 con lợn nái, các hộ đã đem tiêu hủy, không lấy mẫu xét nghiệm.
Ngày 20/5, tại thôn Đông Lái (xã Phong Thu), dịch bệnh đã xảy ra tại 3 hộ dân làm chết 5 lợn nái; tại thôn Đại Phú và thôn Chính An, dịch bệnh xảy ra làm 1 lợn nái và 2 lợn thịt chết.
Ngay sau khi phát hiện lợn bị dịch bệnh, Trung tâm dịch vụ Nông Nghiệp huyện Phong Điền đã lấy mẫu xét nghiệm bệnh gửi Chi cục Thú y vùng III, kết quả 8 con lợn chết ở Phong Thu và Phong Chương dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Sau khi phát hiện xảy ra dịch bệnh tả lợn châu Phi, Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Điền đã tập trung chỉ đạo UBND huyện triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý, khống chế dịch bệnh không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng như: Tiêu độc khử trùng toàn bộ khu chăn nuôi, tiến hành tiêu hủy lợn chết và lợn nhiễm bệnh...
Chiều 22/5, ông Bùi Thanh Hà – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã đến Phong Điền kiểm tra và làm việc với lãnh đạo chủ chốt huyện về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ông Hà yêu cầu, huyện Phong Điền phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, giết mổ và sản phẩm động vật đến và đi qua trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tính nguy hiểm, tác hại nghiêm trọng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh gắn với bảo vệ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thịt lợn. Tăng cường đầy đủ cơ sở vật chất, con người, hóa chất để vận chuyển lợn bị bệnh đi tiêu hủy và chôn cất; hỗ trợ kịp thời cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch. Đối với các địa phương trên địa bàn chưa có dịch, nghi có dịch thực hiện tốt "5 không", chuẩn bị tốt các điều kiện sau khi hết dịch để tái đàn lợn góp phần đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cũng như ổn định cuộc sống người dân.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế họp trực tuyến về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trước đó, sáng 22/5, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức buổi họp trực tuyến với các Sở, ngành, địa phương về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, công tác ngăn chặn sự bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi đang được các cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc triển khai quyết liệt. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nguyên tắc “ăn chín, uống sôi” trong chăn nuôi lợn; khuyến cáo người chăn nuôi nếu phát hiện đàn lợn có dấu hiệu khác thường lập tức báo cho các cơ quan chức năng, địa phương để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và có các giải pháp xử lý, tránh để lây lan dịch bệnh trên địa bàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số địa phương vẫn chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện; hộ chăn nuôi, nhất là hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ còn chủ quan, lơ là không thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chưa kịp thời công bố dịch; tình trạng người dân vứt xác lợn bệnh, lợn chết ra sông, suối vẫn xảy ra…
Phát biểu chỉ đạo buổi họp, ông Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đề nghị các sở, ngành, địa phương trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch; thường xuyên tổ chức các đoàn liên ngành xuống trực tiếp cùng địa phương kiểm tra, chỉ đạo, kiểm soát dịch hiệu quả, đặc biệt là công tác dập dịch. Ông Lưu cũng lưu ý, các địa phương cần chuẩn bị tốt các điều kiện khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thủy sản để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
“Các cấp ủy, trực tiếp là Bí thư cấp ủy phải trực tiếp về cơ sở kiểm tra, giám sát việc tổ chức phòng, chống, khống chế dịch; đồng thời, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy nếu để dịch bệnh lây lan trên diện rộng tại địa phương, đơn vị do mình phụ trách”, ông Lưu nhấn mạnh.