Thừa Thiên Huế: Năm 2021 giải quyết việc làm cho hơn 15.900 lao động
- Tây Y
- 18:10 - 17/01/2022
- Thừa Thiên Huế tiếp nhận vật tư y tế phòng, chống dịch và hỗ trợ người lao động khó khăn
- Thừa Thiên Huế ban hành bộ giải pháp công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới
- Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế thăm động viên Hội phản ứng nhanh PUN75
- Năm 2022, Thừa Thiên Huế phấn đấu đạt trên 68% tỷ lệ lao động qua đào tạo
Trong năm 2021, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch. Sở đã hoàn thành 35/35 nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội, 203/203 nhóm nhiệm vụ công tác của Sở. Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện hỗ trợ cho 131.489 người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, với tổng kinh phí: 69,991 tỷ đồng theo các Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg. Giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 2.564 đơn vị; số người lao động được giảm mức đóng 88.385 người; số tiền 50,947 tỷ đồng; đã hỗ trợ 88.516 người, với tổng số tiền 212,227 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Trong năm 2021, Thừa Thiên Huế đã giải quyết việc làm cho 15.939 lao động đạt 99,6% so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,8%. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyển sinh 14.400 lao động học nghề.
Các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được thực hiện kịp thời và đầy đủ; các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” luôn quan tâm. Sở đãthực hiện kịp thời việc giải quyết chế độ chính sách, thủ tục hành chính, tiếp nhận và giải quyết 2.248 hồ sơ xác nhận người có công và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ.
Thừa Thiên Huế đã thực hiện trợ cấp xã hội cho 61.943 đối tượng với tổng kinh phí trợ cấp 31,7 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh đó, đã giải quyết cho vay với tổng số tiền 483.145 triệu đồng cho 12.853 lượt hộ vay vốn với 13/21 chương trình vay; trao 137.922 suất quà cho hộ nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác. Các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện kịp thời. Chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,45%. Các lĩnh vực khác cũng được ngành LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế triển khai có hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác ngành lao động, người có công và xã hội triển khai năm 2021 của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2022, ngành sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao, hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai các chỉ tiêu Bộ LĐ-TB&XH gắn liền thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa thích ứng và kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, vừa tập trung tận dụng cơ hội kết hợp với các giải pháp khôi phục phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Một số chỉ tiêu mà Thừa Thiên Huế phấn đấu đạt được trong năm 2022, như: giải quyết việc làm cho 16.000 lao động trong đó đưa 2.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới mức <2,3%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%; Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,0%-1,5%.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận, đánh giá cao kết quả mà ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã đạt được trong năm 2021. Ông Bình đặc biệt nhấn mạnh vai trò của ngành LĐ-TB&XH trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là việc kịp thời tham mưu, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của Covid-19, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng yếu thế, lao động tự do, những đối tượng dễ bị tổn thương, dễ chịu tác động nhất,…
Ông Bình khẳng định, trong các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND, kế hoạch, chương trình của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các chỉ tiêu của ngành LĐ-TB&XH đóng một vai trò hết sức quan trọng nhưng cũng rất khó khăn. Do đó, tập thể ngành cần phải đoàn kết, nhất trí, nỗ lực, sáng tạo để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra; tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt hơn nữa lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, qua đó bảo đảm an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị ngành LĐ-TB&XH tăng cường công tác đối ngoại để mở rộng thêm các nguồn lực xã hội, kết hợp với nguồn ngân sách Nhà nước để chăm lo tốt hơn cho người dân, nhất là các đối tượng chính sách xã hội.
Về chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cho các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Bình đề nghị ngành LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế kịp thời triển khai, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, bảo đảm quà hỗ trợ đến tay đối tượng thụ hưởng sớm nhất có thể.
Dịp này, BTC cũng đã khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2021.