Thừa Thiên- Huế: Long trọng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng
- Tây Y
- 20:52 - 26/03/2015
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại lễ kỷ niệm
Dự lễ có ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các lão thành cách mạng, các Bà mẹ VNAH, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng lãnh đạo và đông đảo nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Cách đây tròn 40 năm, trong khí thế tiến công như vũ bão, quân và dân Thừa Thiên- Huế đã chủ động, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, nhất tề đứng lên, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với các lực lượng chủ lực và các mũi tiến công, đánh địch trên toàn chiến trường Trị - Thiên mà trọng tâm là thành phố Huế. Chỉ trong 22 ngày đêm, quân dân Thừa Thiên- Huế và các lực lượng chủ lực đã đập tan hệ thống quân sự trọng yếu, tấm lá chắn quan trọng nhất của quân ngụy, giành quyền làm chủ.
Đúng 6h30 ngày 26/3/1975, lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của ta tung bay trên đỉnh Kỳ Đài – Phu Văn Lâu, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại: Thừa Thiên -Huế hoàn toàn được giải phóng.
Niềm vui giải phóng của quân dân Thừa Thiên- Huế cách đây 40 năm được tái hiện lại
Chiến thắng ngày 26/3/1975, giải phóng Thừa Thiên- Huế mang ý nghĩa to lớn, góp phần quan trọng vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Để có được niềm vui ngày hôm nay, cùng với cả nước, tỉnh Thừa Thiên -Huế có trên 100.000 người có công cách mạng, trong đó gần 19.000 liệt sỹ, 13.000 thương bệnh binh, 1242 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH; 22 Anh hùng lực lượng vũ trang; gần 5.000 cán bộ, chiến sỹ bị địch bắt tù đày; 30.000 người hoạt động kháng chiến, gần 3.500 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học,…
Phát biểu tại lễ mittinh, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế khẳng định, 40 năm từ ngày quê hương giải phóng, Thừa Thiên -Huế đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách, vừa ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải nâng cao cảnh giác, đối phó với những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Cao nhấn mạnh: “Từ sau ngày tái lập tỉnh Thừa Thiên -Huế (1989), Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên -Huế đã nỗ lực không ngừng, gặt hái được những thành tựu to lớn, tạo sự chuyển biến và phát triển toàn diện trên mọi mặt kinh tế - xã hội; an ninh quốc phòng được giữ vững; đô thị Huế trở thành đô thị loại 1, là thành phố di sản thế giới, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa ASEAN,…/
TP Huế đã trở thành đô thị loại 1, xứng tầm là một trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội ở khu vực miền Trung