THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:00

Thừa Thiên Huế: Hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng do hồ Tả Trạch tích nước cao hơn mức bình thường

Thừa Thiên Huế: Hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng do hồ Tả Trạch tích nước cao hơn mức bình thường - Ảnh 1.

Một tuyến đường giao thông liên xã thuộc xã tại huyện Nam Đông bị ngập sâu do hồ Tả Trạch tích nước cao hơn bình thường

Thời gian vừa qua, hàng trăm ha trồng keo tràm, chuối, cao su của người dân các xã Hương Sơn, Hương Xuân và Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập úng kéo dài do hồ Tả Trạch tích nước ở cao trình cao hơn mức bình thường. Nhiều tuyến đường dân sinh, đường sản xuất cũng ngập sâu khiến việc đi lại, làm ăn của người người dân bị ảnh hưởng; một số học sinh phải nghỉ học vì không thể đến trường. Theo người dân, sự việc này đã kéo dài từ tháng 9/2020 đến nay, tức thời điểm toàn khu vực miền Trung phải gánh chịu đợt mưa bão, lũ lụt liên tiếp.

Cũng theo người dân địa phương, hàng năm đến cuối mùa mưa lũ, hồ Tả Trạch luôn tích nước ở cao trình (+) 45 (tức là ở mức bình thường) để sẵn sàng nước tưới cho vụ hè thu. Nhưng không hiểu sao, thời gian qua, hồ lại tích nước ở mức cao, có thời điểm cao hơn mức bình thường đến một mét.

Ông Nguyễn Văn Dich, thôn Phú Mậu, xã Hương Phú cho biết, việc hồ Tả Trạch tích nước cao đã làm nhiều diện tích rừng trồng của gia đình bị ngập. Nước ngâm lâu làm cho cây keo của gia đình ông trồng quanh hồ bị chết. "Không những thế, gia đình tôi có mấy ha cao su bị gãy, đổ từ bão số 9 nhưng do nước ngập mất đường sản xuất nên chúng tôi không thế đưa xe, phương tiện vào khai thác tận thu được".

Từ ngày nước dâng cao ngập đường liên thôn, chị Đào Thị Phương, thôn Phú Mậu, xã Hương Phú phải cho con nghỉ ở nhà. Chị Phương kể: "Cháu học mẫu giáo. Bốn tháng nay nước ngập đường, có chỗ cao tới bụng, tôi không đưa con đến trường được nên phải cho cháu nghỉ ở nhà. Hôm trước cô giáo đến nhà nói cho cháu đi học để sang năm vào lớp một. Dù biết là vậy, nhưng đường ngập sâu thì đi như thế nào?".

Thừa Thiên Huế: Hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng do hồ Tả Trạch tích nước cao hơn mức bình thường - Ảnh 2.

Rừng trồng của người dân chìm trong biển nước

Theo ông Huỳnh Thanh, Phó Chủ tịch xã Hương Phú, huyện Nam Đông, từ đợt bão lũ tới nay, hồ Tả Trạch tích nước cao hơn cả mét làm úng ngập cây trồng, đất sản xuất, đường dân sinh, đường vào khu sản xuất của người dân. Nhiều gia đình đang phải chở con đi đường vòng dài hơn 4km để đến trường. Một số khác do không có điều kiện đưa đón con nên tạm thời cho con em nghỉ học ở nhà. Chính quyền địa phương cùng nhà trường đến nhà vận động, nhưng kết quả chưa cao.

Điều đáng nói, trong khi hồ có cao trình đến (+) 56m, nhưng đến thời điểm này chỉ mới đền bù, giải phóng mặt bằng đến mốc (+)45m, tức đến mức nước dâng bình thường. Còn lại mức (+)45 đến (+) 56 mới chỉ thu hồi một số rất ít. Số còn lại lâu nay vẫn gọi là vùng bán ngập và diện tích này vẫn thuộc quyền sử dụng của người dân.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Ban quản lý và xây dựng thủy lợi 5, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị quản lí và vận hành hồ Tả Trạch), việc tích nước ở mức hiện tại đã, đang gây úng ngập cho khoảng 150ha keo, tràm, chuối, cao su của gần 146 hộ dân trên địa bàn 3 xã thuộc huyện miền núi Nam Đông. Hiện Ban đang tổ chức thống kê, rà soát để có phương án xử lí.

Ông Ngô Thông, Giám đốc Ban quản lý và xây dựng thủy lợi 5 cho biết, về mặt giấy tờ thì UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho Ban quản lí đến cao trình (+)56m. Trong trường hợp có lũ, hồ sẽ tích nước từ cao trình (+)45 lên đến (+)50 thậm chí đến (+)53. Việc tích nước trên mốc (+)45 như trong thời gian này vẫn nằm trong mức thiết kế của hồ.

Tuy nhiên, nhiều diện tích đất từ cao trình (+) 45 đến (+)56 vẫn chưa thu hồi. Số đã thu hồi lâu nay vẫn để người dân canh tác nên hiệu quả quản lí không cao. "Tới đây, Ban sẽ thống kê, đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đền bù, thu hồi số diện tích thuộc dự án hồ chứa nước Tả Trạch, đồng thời khảo sát xin kinh phí để hoàn trả các công trình phục vụ dân sinh cho người dân", ông Thông cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông xác nhận sự việc hồ Tả Trạch tích nước cao hơn mức (+) 45 đang gây ngập úng đất sản xuất, ảnh hưởng đời sống người dân các xã nói trên. Theo ông Hồ, đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Nam Đông đã đi kiểm tra tình hình thực tế, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan khảo sát, thống kê số lượng hộ dân, diện tích đất, cây trồng bị ảnh hưởng để có hướng xử lý phù hợp.

Hồ Tả Trạch là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2014 tại xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy. Công trình do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý vận hành.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh