Thừa Thiên - Huế: Dự án hàng chục tỷ đồng dở dang "đắp chiếu" hư hỏng
- Tây Y
- 01:24 - 29/02/2020
Dự án "Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Huế và vùng phụ cận" được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt ngày 18/1/2016 với tổng mức đầu tư 46,781 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2 năm kể từ ngày khởi công công trình. Dự án được xây dựng tại Khu xử lý rác thải tập trung Phú Sơn (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thuỷ), do Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư.
Như vậy giai đoạn 1 được phê duyệt vào tháng 6/2016, với giá trị dự toán phê duyệt hơn 23,583 tỷ đồng. Tháng 8/2017 được Nhà thầu thi công xây dựng công trình là Công ty Cổ phần Xây dựng và chuyển giao công nghệ môi trường (Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) khởi công. Dự kiến đến tháng 11/2019 hoàn thành đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên đến nay, sau gần 4 năm triển khai thi công xây dựng, dự án mới chỉ hoàn thành khoảng 65% khối lượng hợp đồng và đang tạm dừng thi công để điều chỉnh quy mô.
Điều đáng nói là sau 4 năm thi công, dự án vẫn giang dở tạm dừng thi công để xin điều chỉnh dự án.
Cho dù việc điều chỉnh dự án, để thay đổi công năng có tuân theo đầy đủ các quy trình thì dư luận không khỏi băn khoăn, vì tiền thuế của người dân đã sử dụng một cách thiếu hiệu quả.
Điều đáng buồn là, khi dự án mới hoàn thành khoảng 65% tổng khối lượng cũng như đang tạm dừng để "đợi" hồ sơ thay đổi quy mô và công năng được phê duyệt, một số hạng mục được xây dựng trước đó đã bộc lộ dấu hiệu hư hỏng. Đường bê tông bao quanh nứt gãy, đường bội bộ bị xói mòn, đường ống dẫn nước rỉ rác bị đứt gãy; thành mương dẫn nước đổ sập,...
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Bá Thắng, Trưởng ban quản lý dự án xây dựng 3, Công ty Công ty Cổ phần Xây dựng và chuyển giao công nghệ môi trường (người trực tiếp quản lý thi công dự án) "đẩy bóng" hư hỏng là do thời tiết và do thiết kế ban đầu. Còn về trách nhiệm, ông Thắng khẳng định nó thuộc về nhà thầu thì công, và khi công trình thi công trở lại, nhà thầu sẽ khắc phục các điểm bị hư hỏng.
Ông Lễ Bá Phúc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên - Huế (chủ đầu tư) cho biết, Ban quản lý dự án đã kiểm tra và yêu cầu nhà thầu thi công khi thi công dự án trở lại phải có biện pháp khắc phục.
Cơ quan chức năng của Thừa Thiên - Huế có lẽ rất khó cam kết với người dân đến khi nào công trình mới hoàn thành để phục vụ cho cộng đồng?