Thừa Thiên Huế cấm san lấp trên 171 ao, hồ, đầm phá
- Y học 360
- 15:09 - 28/05/2022
Theo Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt, TP Huế có 53 hồ, trong đó có nhiều hồ di tích, điều tiết nước tự nhiên, hồ chứa nước; huyện Phong Điền có 23 hồ; thị xã Hương Trà 13 hồ; huyện Quảng Điền 12 hồ; thị xã Hương Thủy 23 hồ; huyện Phú Vang 8 hồ; huyện Phú Lộc 4 hồ; huyện Nam Đông 10 hồ; huyện A Lưới 21 hồ.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nghiêm cấm việc san lấp trên diện tích của đầm Lập An - thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (có chức năng nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ ven đầm, du lịch).
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, (bao gồm: đầm An Truyền, đầm Thanh Lam (Sam), đầm Hà Trung và đầm Thủy Tú và đầm Cầu Hai. Hiện, hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á này được quy định chức năng sử dụng cho mục đích điều hòa nước trong mùa mưa lũ, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, vùng khai thác, nuôi trồng thủy sản, đường thủy nội địa, du lịch,...
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chịu trách nhiệm công bố Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông báo đến các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn nơi có hồ, ao, đầm, phá không được san lấp. Thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, thống kê, đề xuất bổ sung Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Song song đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; rà soát, thống kê, đề xuất bổ sung Danh mục hồ, ao không được san lấp; quản lý chặt chẽ không để xảy ra hoạt động san lấp hồ, ao trái phép trên địa bàn.
Quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nêu rõ, các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hồ, ao, đầm, phá có trách nhiệm xây dựng kế hoạch quản lý, thực hiện các biện pháp bảo vệ hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.
Trước đó, tháng 10/2021, báo Dân sinh đã có bài phản ánh tình trạng lấn chiếm, san lấp trái phép trên mặt nước chuyên dụng của đầm Cầu Hai, xảy ra tại địa bàn Tổ dân phố Mũi Né, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Theo báo cáo của UBND huyện Phú Lộc, hàng loạt hộ dân sống dọc bờ đầm Cầu Hai đã tự ý lấn chiếm, san lấp đất mặt nước chuyên dùng để xây dựng nhà cửa, hàng quán, công trình phụ trợ. Thực trạng xảy ra trong thời gian dài (từ năm 20214 đến này). Một số diện tích lấn chiếm trái phép còn được cấp chính quyền huyện Phú Lộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; được đền bù khi nhà nước tiến hành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 1A.
Trả lời phóng viên, thời điểm tháng 10/2021, ông Trần Văn Minh Quân cho biết, huyện Phú Lộc sẽ chỉ đạo quyết liệt, xử lý triệt để thực trạng nêu trên, thu hồi các diện tích lấn chiếm giao cho chính quyền thị trấn Phú Lộc, cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng đúng mục đích. Đối với các cá nhân, gia đình không tự ý chấp hành sẽ bị tiến hành cưỡng chế theo quy định. Phú Lộc đưa ra thời hạn là đến hết tháng 11/2021 sẽ thực hiện xong.
Tuy nhiên, qua theo dõi cho đến nay, nhiều diện tích lấn chiếm đất mặt nước chuyên dùng của đầm Cầu Hai vẫn chưa được trả lại hiện trạng ban đầu. Các công trình xây dựng sai phạm vẫn chưa bị tháo dỡ; cá biệt có hộ dân còn tiến hành xây dựng mới.
Sáng 28/5, tiếp nhận phản ánh của phóng viên, ông Hoàng Việt Cường – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh để chỉ đạo UBND huyện Phú Lộc kiểm tra, rà soát và sớm báo cáo tình hình xử lý vấn đề nêu trên.