Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị nguồn lực để thực hiện cải cách chính sách tiền lương
- Tây Y
- 16:20 - 25/05/2021
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 119/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Bộ Tài chính. Trong đó, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chuẩn bị nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2022 và thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống của người dân. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, nhất là chính sách cho người yếu thế, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện thể chế liên quan đến thị trường chứng khoán, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính khác, bảo đảm hoạt động hiệu quả, an ninh, an toàn, minh bạch, bền vững. Bộ Tài chính cùng với các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; tăng cường năng lực đánh giá, phân tích, dự báo. Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Tài chính cần chủ động có kịch bản, phương án, giải pháp phù hợp, kịp thời đối với những vấn đề mới phát sinh, góp phần nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế, nhất là trong điều kiện đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp kéo dài như hiện nay.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách về tài chính - ngân sách nhà nước phải trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực; thúc đẩy giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách nhà nước phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường và tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành; dứt khoát xóa bỏ quan liêu bao cấp, tư duy xin cho; phải biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, trên cơ sở bảo đảm công bằng, hài hòa lợi ích giữa các bên. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để ưu tiên bố trí, phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Theo đó, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả theo vị trí việc làm. Lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay sẽ bị bãi bỏ, thay vào đó là các bảng lương mới phản ánh đúng năng lực thực chất và khả năng đáp ứng công việc của cán bộ, công chức, viên chức…
Tuy nhiên, nhận định năm 2020 kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng lớn, Ban Chấp hành Trung ương đã giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chế độ tiền lương mới, đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế và khả năng ngân sách.
Sau khi nghiên cứu, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã kiến nghị lùi thời điểm cải cách tiền lương từ ngày 1/1 năm nay theo Nghị quyết số 27/NQ-TW đến ngày 1/7/2022.
Thời điểm cải cách tiền lương đã được biểu quyết tán thành tại Hội nghị Trung ương 13, Ban Chấp hành Trung ương và ngày 1/7/2022 là thời điểm chính thức thực hiện chế độ tiền lương mới của cán bộ, công chức, viên chức.