Thủ tướng thị sát biên giới Tây Nam, đốc thúc chống dịch, động viên lực lượng tuyến đầu
- Tây Y
- 15:26 - 10/05/2021
Cùng tham dự các cuộc làm việc của Thủ tướng có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Ngay sau buổi làm việc với lãnh đạo một số tỉnh ĐBSCL và lãnh đạo Quân khu 9 tại Sở chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, với tinh thần hết sức kỹ lưỡng, chi tiết, cụ thể, sâu sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đích thân đến thị sát, trực tiếp kiểm tra công tác kiểm soát và quản lý biên giới tại Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn, thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn quản lý hơn 15km đường biên giới với Campuchia. Đây được xem là một trong những điểm nóng về xuất nhập cảnh trái phép và buôn lậu qua biên giới. Những ngày qua, khi tình hình dịch bệnh bên Campuchia diễn biến phức tạp, các lực lượng đã không quản ngày đêm, căng mình chốt chặn biên giới, ngăn việc nhập cảnh trái phép.
Nói chuyện, biểu dương, động viên cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của cán bộ chiến sĩ của đồn đang làm nhiệm vụ bất kể ngày đêm. Thủ tướng yêu cầu lực lượng bộ đội biên phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và chính quyền địa phương để kiểm soát tốt biên giới, không để việc xuất nhập cảnh trở nên phức tạp hay dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ, phải bảo vệ bằng được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới; đồng thời tiếp tục củng cố, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị phát triển với Campuchia, nhưng việc nóng nhất lúc này là phòng chống dịch bệnh, bảo đảm cuộc sống yên lành cho nhân dân, vì sức khỏe của cộng đồng, vì lợi ích quốc gia dân tộc…
Lưu ý những điểm xung yếu nhất
Tại Sở chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, Thủ tướng đã nghe lãnh đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, các lực lượng báo cáo chi tiết về đặc điểm tình hình kiểm soát biên giới, nhất là tại các điểm nóng, điểm xung yếu nhất, những nơi tiếp giáp với các ổ dịch ở bên kia biên giới, những vấn đề nổi lên cần lưu ý.
Nhấn mạnh tình hình cấp bách, không thể chần chừ, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, Thủ tướng dành thời gian tìm hiểu hết sức kỹ lưỡng về các phương án ứng phó với dịch bệnh, củng cố lực lượng tuần tra, kiểm soát biên giới và cơ sở vật chất, trang bị cho các lực lượng chống dịch, các cơ sở cách ly, điều trị…
Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng cho tất cả mọi phương án, nhất là việc chuẩn bị các bệnh viện dã chiến, trong bối cảnh An Giang có đoạn biên giới dài hơn 98km, giáp hai tỉnh của Campuchia.
Tỉnh An Giang cho biết đang khẩn trương xây dựng bệnh viện dã chiến và đang đề nghị xây dựng thêm với quy mô lớn hơn. Thủ tướng đồng ý với đề nghị này và nhấn mạnh, tỉnh phải sẵn sàng chống dịch trong mọi tình huống.
Thủ tướng yêu cầu triển khai thêm một số bệnh viện dã chiến tại An Giang và Đồng Tháp với tổng quy mô hàng nghìn giường, sẵn sàng cho những kịch bản xấu nhất.
Theo báo cáo, tỉnh An Giang đang duy trì hơn 200 tổ, chốt với hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng biên phòng, công an, quân sự, hải quan, kiểm dịch, dân quân tự vệ để ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới và phòng, chống dịch COVID-19.
Tỉnh cũng duy trì nghiêm các kíp trực sẵn sàng chiến đấu, trực phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm lệnh cấm trại 100% đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ; kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, siết chặt kiểm soát tất cả các đường mòn, đường tắt, kênh rạch thông qua biên giới; không để sót lọt đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, trốn cách ly.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng đã xử lý hơn 1.400 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. An Giang đang quản lý tập trung hơn 500 người, bảo đảm “người cách ly người, giường cách ly với giường, phòng cách ly với phòng”, đồng thời trang bị hệ thống camera giám sát để bảo đảm việc cách ly thực hiện an toàn, đúng quy định.
Khẩn trương xây dựng các bệnh viện dã chiến
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao công tác ứng phó, chuẩn bị các kịch bản của các địa phương, các lực lượng, nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát lại để hoàn thiện.
Theo Thủ tướng, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các lực lượng kiểm soát biên giới được tăng cường, quân đội, công an tăng cường lực lượng, sự vào cuộc tích cực, quyết liệt, hiệu quả của địa phương,… hiện chúng ta vẫn đang cơ bản kiểm soát tốt tình hình biên giới.
Về những việc cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, các lực lượng nòng cốt như biên phòng, công an, dân quân tự vệ, cả hệ thống chính trị và toàn dân phải thực hiện hai nhiệm vụ rất quan trọng: Một là bảo vệ bằng được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới; hai là, tiếp tục củng cố, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị phát triển với Campuchia;… Nhiệm vụ quan trọng khác là phải xây dựng, sẵn sàng các kịch bản, phương án rõ ràng, chi tiết với mọi tình huống, nhất là kiểm soát chặt biên giới tại các điểm xung yếu đã được chỉ ra.
Thủ tướng yêu cầu An Giang khẩn trương hoàn thành xây dựng bệnh viện dã chiến; tận dụng toàn bộ các cơ sở y tế cho ứng phó dịch bệnh, đồng thời bảo đảm công tác khám chữa bệnh bình thường cho người dân.
Phải chuẩn bị cho phương án hàng nghìn người nhiễm, có thể lên tới 10.000 ca. “Chúng ta không mong muốn phương án này xảy ra, nhưng phải nỗ lực cao nhất để không xảy ra, chuẩn bị kỹ lưỡng nhất để không bị động, bất ngờ” - Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu cung cấp nhanh nhất các bộ test xét nghiệm nhiều nhất có thể cho An Giang.
Thủ tướng đề nghị sử dụng một phần kinh phí thường xuyên, tiết kiệm chi tiêu để tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các cơ sở cách ly.
Cùng với đó, phải khẩn trương hoàn thành xây dựng bệnh viện dã chiến tại Cần Thơ để sẵn sàng cho các tình huống. Quân khu 9 luân chuyển lực lượng để bảo đảm quân số bởi các chiến sĩ có thể căng mình, căng sức trong một thời gian nhưng sẽ rất khó khăn nếu kéo dài liên tục nhiều tháng. Nhấn mạnh tập trung cao độ “đánh giặc COVID-19” là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này, Thủ tướng cũng yêu cầu Quân khu phải bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, không thể lơ là nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Thủ tướng nêu rõ: Cả hệ thống chính trị, toàn dân phải vào cuộc. Nơi nào xảy ra sự cố do nguyên nhân chủ quan thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm với nhân dân, với Đảng.