Thủ tướng: Sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền đến người nghèo, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
- Tây Y
- 04:07 - 01/04/2020
Chiều nay, 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về những nội dung gồm: Các kịch bản ứng phó dịch COVID-19, đặc biệt là chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch và một số vấn đề khác.
Về các kịch bản ứng phó dịch, "trong tình huống xấu nhất thì phương án của Chính phủ là gì để không bị động, nhất là phương án về huy động nguồn lực và các biện pháp cần thiết khác?", Thủ tướng đặt vấn đề. Chúng ta không mong tình huống xấu này xảy ra, nhưng nếu xảy ra thì phải ứng phó chủ động hơn, quyết liệt hơn với mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Tại cuộc họp, Thủ tướng đã khẳng định, các giải pháp mới nhất (theo Chỉ thị 16 vừa ban hành) mang tính "tiền khẩn cấp", là để dãn cách xã hội. Việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình. Chính phủ chưa tính đến việc phong tỏa các thành phố lớn. Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo đảm đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân.
Thảo luận về gói hỗ trợ cho người lao động, Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các Bộ nhất trí, Chính phủ cần có ngay gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19 gây ra, nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người nghèo bị tác động bởi dịch covid-19. Việc Chính phủ sớm có Nghị quyết này là thể hiện việc Đảng và Nhà nước lo cho dân, nhất là những người nghèo, người yếu thế dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của dịch bệnh, vì con người là mục đích cao nhất. Theo đó, Thường trực Chính phủ nhất trí sẽ trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ vào ngày mai Dự thảo trực tiếp hỗ trợ bằng tiền trực tiếp cho các đối tượng bị giảm thu nhập bởi dịch covid-19
Thủ tướng khẳng định: "Đây là vấn đề cấp bách, vì qua mấy tháng vừa rồi, nhiều người khổ lắm, nhất là thất nghiệp, không có việc làm, nhiều gia đình rất khó khăn. Chúng ta thấu hiểu được vấn đề này của người dân, của người công nhân, viên chức…".
Thủ tướng cho rằng, vấn đề an sinh xã hội cũng vô cùng cấp thiết, nhất là đối với người dân nghèo, người thất nghiệp, nếu không chủ động giải quyết vấn đề này thì khó khăn cho đất nước. Do đó, cuộc họp tập trung bàn về đối tượng, mức hỗ trợ và nguồn lực thực hiện, từ đó, sẽ báo cáo vấn đề quan trọng này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày mai, 1/4.
Về mức hỗ trợ cho từng đối tượng, Thủ tướng cho biết, Thứ nhất hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo với mức hỗ trợ 1 triệu đồng một tháng, trước mắt hỗ trợ ba tháng 4,5,6. Thứ hai là hỗ trợ các đối tượng BTXH và NCC, mức hỗ trợ các Bộ đề nghị hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng. Thứ ba là hỗ trợ người lao động có hợp đồng làm việc với doanh nghiệp nhưng phải tạm nghỉ việc, làm việc bán thời gian, nghỉ không lương, giảm thu nhập với mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người/một tháng, tức là 50% lương tối thiểu, trước mắt hỗ trợ ba tháng 3,5,6. Đối với các doanh nghiệp, trường hợp không đảm bảo đủ nguồn trả thêm tối thiểu 50% còn lại thì vay ngân hàng chính sách xã hội với lãi xuất ưu đãi, hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể do khó khăn do dịch covid-19 phải tạm dừng kinh doanh, mức hỗ trợ đưa ra là 1 triệu đồng/tháng, trước mắt hỗ trợ ba tháng 4,5,6. Hỗ trợ người lao động tự do không có hợp đồng, mất việc hoặc không có việc làm, mức 1 triệu đồng/người/tháng, trong 3 tháng 4,5,6.
Dự kiến tổng mức hỗ trợ trực tiếp cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp do đại dịch covid-19 sẽ vào khoảng 28 đến 30 nghìn tỉ đồng, nguồn tiền được lấy từ tăng thu, từ ngân sách của Trung ương và địa phương năm 2019, cũng như nguồn tiền tiết kiệm không đi công tác nước ngoài của các địa phương và tiết kiệm trong đầu tư. Đây thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chính quyền các địa phương.
Trong quá trình chuẩn bị Nghị quyết về gói hỗ trợ này, Thủ tướng cho rằng, cần trả lời 3 câu hỏi, trước hết là xác định rõ đối tượng, ai cần hỗ trợ. Thủ tướng yêu cầu phải đủ 5 nhóm đối tượng: Người nghèo và cận nghèo; đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội; người lao động theo hợp đồng phải tạm thời ngưng việc; hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động; người lao động tự do mất việc. Nguyên tắc đặt ra là chỉ hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, không bỏ sót đối tượng và cũng không được để lợi dụng chính sách để hỗ trợ tràn lan.
Thứ hai là cần xác định chính xác mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ cho từng loại đối tượng.
Thứ ba là xác định rõ nguồn hỗ trợ, phương thức hỗ trợ và thẩm quyền quyết định. Theo Thủ tướng, nguồn chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước trong thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương cũng như từ doanh nghiệp.
Việc hỗ trợ đảm bảo 4 nguyên tắc; thứ nhất là hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19 làm giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm.
Nguyên tắc thứ hai là hỗ trợ theo nguyên tắc chia sẻ cả người lao động, người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và nhà nước cùng chia sẻ để bảo đảm mức sống cơ bản tối thiểu, trong đó Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, phân bổ phù hợp với ngân sách Trung ương và địa phương.
Nguyên tắc thứ ba là chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm xác định đúng đối tượng hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch, không để tiêu cực, trục lợi chính sách, phát sinh tiêu cực, khiếu kiện, khiếu nại. Thủ tướng yêu cầu khoản tiền hỗ trợ này phải đến người lao động.
Nguyên tắc thứ tư là doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội và người dân, có trách nhiệm giữ người lao động.
Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát, có tiêu chí hỗ trợ cụ thể theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ một bộ phận thực sự khó khăn, bị mất việc, không hỗ trợ cho tất cả các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công.
Chủ tịch UBND các địa phương phải xác định rõ đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, không được gian dối, trục lợi. Thủ tướng cũng yêu cầu các DN cũng cần phải có trách nhiệm chính trị và trách nhiệm xã hội cùng với Nhà nước chia sẻ khó khăn với nhân dân thông qua việc giảm giá viễn thông, internet, nước sạch và giãn thời gian trả tiền điện.
Thủ tướng cũng đề nghị người dân bình tĩnh, không đi mua tích trữ lương thực thực phẩm vì mọi nguồn cung ứng trong toàn quốc đều đảm bảo tốt. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và UBND các địa phương phải chỉ đạo các doanh nghiệp bán lẻ, đảm bảo cung cấp dồi dào hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho nhân dân, nhất là những tỉnh thành đang có dịch Covid-19.