Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc và dự Hội nghị WEF: Ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện
- Tây Y
- 15:37 - 24/06/2023
Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Trung Quốc trong 7 năm qua, là sự tiếp nối các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thời gian qua.
Đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất
Trong bối cảnh tình hình quan hệ quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ hội để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi các biện pháp nhằm triển khai toàn diện kết quả và nhận thức chung đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022), nỗ lực thúc đẩy các lĩnh vực và hợp tác cùng có lợi, kiểm soát tốt các bất đồng, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Thời gian qua, quan hệ chính trị giữa Việt Nam-Trung Quốc về tổng thể duy trì xu thế phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2022, trao đổi tiếp xúc cấp cao duy trì mật thiết với hình thức linh hoạt, nổi bật nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-01/11); ngoài ra, hai Tổng Bí thư hai Đảng cũng thường xuyên trao đổi thư, điện nhân dịp các sự kiện quan trọng của hai nước và quan hệ hai nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có Thư chúc mừng gửi Chủ tịch Tập Cận Bình nhân dịp Trung Quốc tổ chức Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 ( ngày 4/2/2022). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường 02 lần điện đàm (ngày 13/01 và ngày 19/9/2022).
Hai bên đã tổ chức thành công Phiên họp thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc theo hình thức trực tiếp (ngày 13/7/2022). Giao lưu, hợp tác trên kênh Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, giữa các bộ ban ngành, địa phương, đoàn thể nhân dân hai nước được triển khai thường xuyên.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt. Tổng Bí thư hai Đảng trao đổi thư chúc mừng nhân dịp Tết Quý Mão 2023, trao đổi điện mừng cấp cao dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước ( ngày 18/01).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ngày 2/3) có điện chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhậm chức. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam (ngày 10-12/3) gửi điện mừng Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc được bầu tại Kỳ họp Lưỡng hội năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (ngày 4/4). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc Triệu Lạc Tế (ngày 27/3). Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thăm và làm việc tại Trung Quốc (Từ ngày 25-28/4).
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Trung Quốc Vương Nghị gửi điện mừng đồng chí Trần Lưu Quang nhân dịp được bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ và đảm nhiệm Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.
Các cấp, các ngành, địa phương hai bên tích cực khôi phục hoạt động trao đổi đoàn sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng chống dịch. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang (từ ngày 25/2 - 1/3), Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh (từ ngày 13-19/3) thăm Trung Quốc; hai bên tổ chức Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân 2023 giữa Bí thư Tỉnh ủy và Hội nghị lần thứ 14 Ủy ban Công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng với Quảng Tây (ngày 22/2); Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam, Trung Quốc thăm Việt Nam (từ ngày 20-23/2); Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thăm làm việc (từ ngày 9-11/3); Bí thư Vân Nam (từ ngày 28-29/3), Bí thư Quảng Tây thăm Việt Nam (từ ngày 30/3-2/4).
Về thương mại, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD (tăng 3,18%), nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD (tăng 6,63%), Việt Nam nhập siêu 60,17 tỷ USD (tăng 10,18%). Theo số liệu của Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1% (thấp hơn nhiều so với tăng trưởng 19,7% năm 2021). Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 87,9 tỷ USD, giảm 4,7%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 146,9 tỷ USD, tăng 6,8%. Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 59 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 61,5 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 20,3 tỷ USD, giảm 6,8%, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 15% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, giảm 17,9%, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 32,8% tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 20,8 tỷ USD, giảm 26,5% .
Về đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt 1,08 tỷ USD với 156 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam (sau Singapore, Nhật Bản). Lũy kế đến ngày 20/5/2023, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 06/143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.720 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 24,9 tỷ USD.
Về du lịch, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam (năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam). Từ tháng 02/2020, do dịch COVID-19 bùng phát, hợp tác du lịch giữa hai nước tạm thời bị gián đoạn. Từ ngày 15/3/2023, Trung Quốc chính thức khôi phục cho phép các đoàn khách du lịch đi Việt Nam, mở lại một số tuyến bay thương mại giữa các địa phương hai nước (Hà Nội-Bắc Kinh) và điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế đối với người nước ngoài đến Trung Quốc.
Về hợp tác phòng, chống dịch COVID-19, Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vaccine nhiều và nhanh nhất cho Việt Nam; tính đến nay, đã cung cấp cho Việt Nam hơn 50 triệu liều vaccine Sinopharm trong đó 7,3 triệu liều viện trợ không hoàn lại và 45 triệu liều bán thương mại; cam kết viện trợ cho Việt Nam 26,5 triệu Nhân dân tệ để mua sắm vật tư y tế phòng, chống dịch (đã chuyển tới Việt Nam 5 triệu Nhân dân tệ); các địa phương Trung Quốc (Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông...) cũng ủng hộ lượng lớn vật tư y tế cho các địa phương Việt Nam.
Nâng cao vai trò, tiếng nói của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu
Nhân chuyến thăm lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự WEF Thiên Tân, do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức. Đây là hội nghị có quy mô lớn thứ hai sau WEF Davos (Thụy Sĩ). Hội nghị lần thứ 14 năm nay có chủ đề "Doanh nghiệp: Động lực của kinh tế toàn cầu" gồm hơn 100 phiên họp, tập trung vào các vấn đề như điều chỉnh tăng trưởng, chuyển đổi năng lượng và nguyên liệu, bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, tiêu dùng sau đại dịch, Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu, ứng dụng đổi mới sáng tạo.
Với vai trò là đối tác tin cậy, thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ tích cực đóng góp, phối hợp với các đối tác quốc tế giải quyết những vấn đề toàn cầu nhằm duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới.
Thông qua hội nghị lần này, Việt Nam mong muốn quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, chuyển tải thông điệp lớn về mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển của Việt Nam; nắm bắt những vấn đề, xu thế mới của kinh tế thế giới, trao đổi về tư duy phát triển và quản trị ở tầm toàn cầu, khu vực và quốc gia trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển đổi sâu sắc, qua đó nâng cao vai trò, tiếng nói của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-WEF ngày càng hiệu quả, thực chất; tăng cường hợp tác với các các tập đoàn toàn cầu và khu vực, đặc biệt các doanh nghiệp của Trung Quốc, nhằm tiếp tục củng cố môi trường quốc tế thuận lợi, thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.
Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Vào tháng 01/2020, hai bên đã hoàn thành Thoả thuận hợp tác về " Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai" (giai đoạn 2017-2019). Hai bên đang tiến tới ký kết Thoả thuận hợp tác Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026 để đưa hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã 4 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ (năm 2007, 2010, 2017, 2019) (các năm khác thường tham dự ở cấp Phó Thủ tướng); 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á) cấp Thủ tướng Chính phủ (năm 2012, 2013, 2014 và 2017) (các năm khác thường ở cấp Phó Thủ tướng Chính phủ).
Việt Nam và WEF đã phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị quan trọng. Trong đó, Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF lần thứ nhất (ngày 29/10/2021) được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo". Đối thoại được nhận định là đối thoại chiến lược quốc gia thành công nhất mà WEF phối hợp với một quốc gia tổ chức, cả về cấp tham dự, nội dung, thời điểm và công tác tổ chức.
Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018, Hội nghị WEF-Mekong lần đầu tiên ngày 25/10/2016 tại Hà nội và Hội nghị WEF Đông Á từ 6-7/6/2010 tại TPHCM.
Trên cơ sở tận dụng thông tin, nguồn lực chuyên gia của WEF về các vấn đề WEF có thế mạnh, đặc biệt trong nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và cách mạng công nghiệp 4.0, WEF thường xuyên hỗ trợ cung cấp thông tin, tổ chức đối thoại chính sách với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng như cử chuyên gia đóng góp ý kiến tư vấn tại các diễn đàn quan trọng (Diễn đàn kinh tế Việt Nam, Diễn đàn kinh tế TPHCM…) về các xu hướng phát triển, động lực tăng trưởng mới trên thế giới, phục vụ cho các báo cáo và nghiên cứu liên quan.
Thỏa thuận hợp tác về "Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường hướng tới tương lai" được ký vào tháng 1/2017 và đã hoàn thành vào tháng 1/2020 là kết quả hợp tác tư vấn chính sách Việt Nam-WEF. Triển khai Thỏa Thuận, hai bên đã tổ chức Hội thảo về Năng lực cạnh tranh và Phát triển bao trùm và Hội thảo về Cơ sở hạ tầng; ra mắt Nhóm công tác về Cơ sở hạ tầng năm 2018 tại Hà Nội.
Hiện WEF đang phối hợp với TPHCM thúc đẩy thành lập Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 tại Thành phố. Sáng kiến được thúc đẩy trên cơ sở thảo luận trước đó giữa WEF và Bộ Thông tin và Truyền thông, có tính tới khả năng thống nhất về các dự án cụ thể, kinh phí triển khai phù hợp với mục tiêu, lợi ích và bối cảnh của TPHCM. WEF và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng trao đổi về thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số.
Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt của WEF trong khuôn khổ sáng kiến "Tầm nhìn mới trong nông nghiệp". Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tham dự các hội nghị thường niên của WEF. Từ năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tham gia Ban điều phối dự án "Tương lai của hệ thống sản xuất" của WEF và từ năm 2017 tham gia Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN (RSG). Việt Nam và WEF đã phối hợp tổ chức một số hội thảo về năng lực cạnh tranh như Hội thảo "Vai trò doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế" tháng 11/2014.
WEF và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang thảo luận khả năng Việt Nam tham gia Mạng lưới toàn cầu tăng tốc thu hẹp khoảng cách kỹ năng. Đây là một lĩnh vực hợp tác WEF đang triển khai hiệu quả với nhiều sáng kiến tại các nước trên thế giới.
Trên cơ sở kết quả triển khai "Chương trình đối tác hành động quốc gia về rác thải nhựa của Việt Nam" (NPAP) giữa WEF và Bộ Tài nguyên và Môi trường, hai bên đang trao đổi thúc đẩy các hoạt động hợp tác công-tư, khoa học công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm; tiếp tục hợp tác giải quyết vấn đề rác thải nhựa; xây dựng chính sách và chương trình hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26, xây dựng và áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn.