Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản
- Tây Y
- 06:16 - 17/05/2023
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 - 21/05/2023.
Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được mời tham dự
Vào ngày 20/3/2023, Thủ tướng Nhật Bản đã mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng 2023. Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng ngày 26-28/5/2016 tại I-sê, Nhật Bản và Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng ngày 09/6/2018 tại Quê-béc, Canada.
Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay. Sự tham dự của Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp cho nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì tăng trưởng và giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế.
Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 49 diễn ra từ ngày 19-22/5 tại thành phố Hi-rô-si-ma, Nhật Bản, trong đó Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng từ ngày 20-21/5.
Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7, với sự tham dự của các nước và tổ chức quốc tế khách mời. Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng đầu tiên được tổ chức năm 2000 với Nam Phi là khách mời đầu tiên. Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự tham dự và đóng góp của các nước đang phát triển, đẩy mạnh quan hệ đối tác của G7 với các nước đang phát triển trong giải quyết các thách thức toàn cầu.
Khách mời của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay gồm lãnh đạo cấp cao của 08 quốc gia và 06 tổ chức quốc tế. Hội nghị thượng đỉnh mở rộng gồm 3 phiên, với các chủ đề: “Hợp tác xử lý đa khủng hoảng” (tập trung vào các chủ đề lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới); “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững” (tập trung vào các chủ đề khí hậu, môi trường và năng lượng) và “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng” (tập trung vào các chủ đề hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương).
Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng dự kiến thông qua “Chương trình hành động Hi-rô-si-ma về An ninh lương thực toàn cầu tự cường”. Đây là lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng thông qua một văn kiện chung.
Về mối quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản, thông cáo của Bộ Ngoại giao cũng cho biết, trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016).
Quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt trên 10,6 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 5,3 tỷ USD, giảm 0,45% và nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 5,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Về đầu tư trực tiếp, lũy kế đến 20/03/2023, Nhật Bản có 5.050 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 69,4 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Singapore trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Về viện trợ phát triển chính thức ODA, Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng Yên cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ Yên (tương đương 27,5 tỷ USD), chiếm hơn 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ).
Đáng chú ý, về hợp tác lao động: Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã phái cử hơn 350.000 thực tập sinh sang Nhật Bản. Hiện Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với hơn 200.000 người. Hai bên đã ký:
i) Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam;
ii) Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (6/2017);
iii) Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ Lao động kỹ năng đặc định (5/2019).