THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 04:51

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum

Báo cáo của Tỉnh ủy Kon Tum cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 17.631 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 9,47%; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 53,2 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng đạt 6,8% so với cùng kỳ năm 2022 và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2022 hơn 23.100 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 là 12.442 tỷ đồng, đạt 46,1% kế hoạch và tăng 17,1% so với cùng kỳ; trong đó, vốn đầu tư từ khu vực tư nhân là 9.977 tỷ đồng, đạt 48,9% kế hoạch và tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Đến nay, đã có 42/85 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (chiếm 49,4% tổng số xã), bình quân toàn tỉnh đạt 15,34 tiêu chí/xã. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp-xây dựng năm 2022 đạt 14,88% (trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 10,7% so với cùng kỳ).

Người dân Kon Tum chào đón Thủ Tướng (Ảnh L - T)

Người dân Kon Tum chào đón Thủ Tướng (Ảnh L - T)

Hoạt động thương mại, dịch vụ được phục hồi và phát triển; tốc độ tăng trưởng toàn ngành (giá so sánh 2010) năm 2022 đạt 8,3% (6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng đạt 5,3% so với cùng kỳ). Về văn hóa, xã hội, chất lượng giáo dục của tỉnh được nâng lên, có 189/359 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 52,6%); điểm trung bình môn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh Kon Tum đạt 6,34 điểm (tăng 06 bậc so với năm 2022, đứng thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên) và tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023 là 98,74% (tăng 1% so với năm 2022).

Công tác giảm nghèo tiếp tục được tập trung chỉ đạo, tổng số hộ nghèo đến cuối năm 2022 khoảng 15.943 hộ, chiếm tỷ lệ 10,86% (giảm 4,46% so với năm 2021).

Công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống của các dân tộc thiểu số được chú trọng thực hiện. Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại: quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại được tăng cường…

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Tỉnh ủy Kon Tum cho biết, về kinh tế, tỉnh tiếp tục cập nhật, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách. Đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án và giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Tỉnh huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, dược liệu. Phát triển kinh tế cửa khẩu, các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống. Tăng cường liên kết, phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Đồng thời, tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm sớm triển khai các dự án trọng điểm, dự án của các nhà đầu tư chiến lược.

Về văn hóa-xã hội, tỉnh Kon Tum tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số. Củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế dự phòng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đầy đủ các chính sách an sinh xã hội. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giảm nghèo. Tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai thực hiện tốt các kế hoạch, phương án về bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên truy quét, trấn áp, xử lý các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Tiếp tục mở rộng đối ngoại với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.

Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến, "tự chuyển hóa"".

Thực hiện tốt công tác tổ chức, cán bộ, phát triển đảng viên và công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm, dư luận xã hội quan tâm. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở cơ sở.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kon Tum phải phát triển nhanh, mạnh, toàn diện, bền vững hơn nữa. Trước mắt, Kon Tum phải rà soát lại các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tại các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh, toàn vùng và cả nước...; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển năm sau đạt kết quả cao hơn năm trước. Tỉnh phải tập trung tháo gỡ về mặt pháp lý liên quan đến đất đai, rừng, góp vốn và tài sản khác nhằm giải phóng nguồn lực, tập trung cho phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng sâm giống cho hàng trăm hộ nghèo (Ảnh L- T)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng sâm giống cho hàng trăm hộ nghèo (Ảnh L- T)

Ngoài ra, Kon Tum phải bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác quy hoạch để tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện, phù hợp với điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hóa địa phương; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; đổi mới mô hình tăng trưởng từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang dựa vào đổi mới sáng tạo, năng suất lao động cao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến...

Địa phương cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, vùng trồng dược liệu dưới tán rừng; Thủ tướng đặc biệt quan tâm việc thúc đẩy liên kết vùng để tạo không gian phát triển thống nhất; thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh. Tỉnh cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, vùng trồng dược liệu dưới tán rừng; trong đó tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia và quốc tế, nhất là sâm Ngọc Linh. Đồng thời, phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo; khai thác tốt hơn lợi thế của khu kinh tế cửa khẩu; phát triển du lịch theo hướng hiện đại gắn với tiềm năng, lợi thế về danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên, đặc sản riêng có, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc.

LN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh