Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Long An
- Tây Y
- 13:23 - 11/07/2021
Tham gia cùng đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Lãnh đạo Bộ Y tế cùng các Bộ, ngành và lãnh đạo UBND tỉnh Long An…
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đến thăm, kiểm tra tại Công Ty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam, đóng tại KCN Thuận Đạo, huyện Bến Lức. Công ty hiện có 2 nhà máy, với 35.000 công nhân.
Mặc dù trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh nhưng công ty vẫn duy trì sản xuất, hoạt động ổn định, thậm chí tình hình còn khả quan hơn năm 2020.
Báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo công ty cho biết, doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 bằng 2/3 doang thu cả năm 2020, số lượng đơn hàng cũng nhiều hơn năm ngoái, công tác phòng chống dịch bệnh được công ty triển khai nghiêm túc đúng theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Chia sẻ với Thủ tướng và đoàn công tác, nhiều công nhân ở đây cho biết, đời sống của họ vẫn đảm bảo trong mùa dịch Covid-19, với mức lương khoảng từ 9 - 10 triệu đồng/tháng.
Qua buổi làm việc với Công ty Giầy Ching Luh, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương tinh thần vượt khó, vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất của công ty. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị công ty cố gắng không để đứt gãy sản xuất kinh doanh, giữ được các đơn hàng, sản xuất phải an toàn và an toàn để sản xuất. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị lãnh đạo tỉnh Long An kiểm soát tốt khâu phòng chống dịch trên địa bàn, với những biện pháp cao nhất, quyết liệt nhất.
Thủ tướng yêu cầu các nhà máy trên địa bàn Long An lên phương án ăn nghỉ cho công nhân, công ty chia ca, chia kíp để đảm bảo an toàn cho sản xuất, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ người lao động, trong trường hợp có ca nhiễm phải khoanh vùng, phong tỏa chặt cả chỗ ở và công ty.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn luôn xác định vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn, không được lơ là chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Triển khai ngay việc hỗ trợ người dân
Làm việc với Long An, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo hàng loạt nhiệm vụ cấp bách theo tinh thần phải chiến thắng dịch bệnh, bảo vệ thành quả đã đạt được trong thời gian qua.
Thủ tướng yêu cầu phải làm ngay việc hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh phải quan tâm tới những người bán vé số, lao động tự do, bán hàng rong… Ngay trong đêm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Long An phải vào cuộc, triển khai ngay nhiệm vụ này.
Người đứng đầu Chính phủ phân tích thêm, trong bối cảnh chống dịch, tất cả đều chưa có tiền lệ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. “Đã phong tỏa thì phải lo toan cho người dân, nhất là những người sống lang thang ở vỉa hè, góc phố, nếu không thì họ phải di chuyển, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”, Thủ tướng nói.
“Tinh thần là không bỏ sót một ai, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, nếu để người dân thiếu ăn thiếu mặc là có lỗi với nhân dân. Cấp xã, phường nắm được hết các đối tượng này, cần huy động lực lượng công an xã, phường và cơ sở dữ liệu dân cư để hỗ trợ kịp thời, giúp người dân yên tâm ở nhà”, Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu phải quán triệt, kêu gọi, tuyên truyền vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định về giao thông vận tải. Đồng thời, Bộ GTVT phải nhanh chóng cập nhật tình hình, thiết kế quy trình, phân luồng tuyến phù hợp để lưu thông hàng hóa thông thoáng, thuận tiện nhất, tránh rườm rà, không để ách tắc hàng hóa. Nguyên tắc là quản lý chặt con người theo diễn biến dịch tễ, nhưng hàng hóa phải được giải tỏa, thông thoáng.
Phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe cho người lao động
Tại chuyến công tác cùng đoàn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tỉnh Long An nên linh hoạt trong việc phòng, chống dịch và duy trì sản xuất.
"Khu vực nào tình hình ổn định nên tập trung cao cho việc sản xuất, khu vực chưa ổn thì nên tập trung cao cho việc phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe cho người lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gợi ý.
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Long An cho toàn bộ lao động tự do (chủ yếu là người bán vé số) ở nhà để triển khai công tác phòng, chống dịch hiệu quả.
Về lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Tỉnh nên tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Đặc biệt, nên khoanh vùng tại chỗ, hỗ trợ cho công nhân ăn, nghỉ và làm việc tại chỗ.
Bộ trưởng ghi nhận, Long An là tỉnh đã có truyền thống chăm lo tốt cho người dân và người lao động, trong tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, đề nghị tỉnh Long An khẩn trương triển khai ngay Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ…
"Tỉnh Long An nên tập trung kiểm soát người nhập cảnh vào địa bàn và số lao động người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn tỉnh để đảm bảo công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị UBND tỉnh Long An lưu ý thêm.
Theo lịch công tác, trong tối 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đến kiểm tra và làm việc tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Long An.
Báo cáo với đoàn công tác về Kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Long An cho biết, thời gian qua, toàn tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ cho 126.446 người, với kinh phí 147.689.250.000 đồng.
Cụ thể, hỗ trợ 16.249 người thuộc diện hộ nghèo, kinh phí 12.186.750.000 đồng; Hỗ trợ cho 39.348 người thuộc diện hộ cạn nghèo, kinh phí 29.511.000.000 đồng.
Hỗ trợ 56.459 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với tổng kinh phí 84.444.000.000 đồng.
Hỗ trợ 14.390 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, kinh phí 21.547.500.000 đồng.
Hỗ trợ cho 8.502 người bán vé số dạo, với tổng kinh phí hỗ trợ là 6.376.500.000 đồng. Đến ngày 13/4/2020, tỉnh Long An đã chi hỗ trợ xong cho tất cả các hộ có người bán vé số dạo trên địa bàn.
Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) cho 18.887 lao động, kinh phí 14.153.500.000 đồng.
Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 91 lao động, kinh phí 93.000.000 đồng.
Hỗ trợ hộ kinh doanh Kết quả có 277 hộ kinh doanh được hỗ trợ, kinh phí 277.000.000 đồng.
Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương: Đã hỗ trợ cho 1.283 người lao động, kinh phí 2.309.400.000 đồng
Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động cho 2 doanh nghiệp đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, với số tiền 211,68 triệu đồng.