CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:37

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Thư ký Liên Hợp quốc và lãnh đạo cấp cao các nước

Thủ tướng Vương Quốc Anh Boris Johnson và Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế tham dự buổi gặp.

Thủ tướng Vương Quốc Anh Boris Johnson và Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế tham dự buổi gặp.

Trao đổi với Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hai nước làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc, tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư đến giao lưu nhân dân, văn hóa…    

Thủ tướng cảm ơn Hàn Quốc đã dành sự hỗ trợ quý giá về vắc-xin, thiết bị y tế chống Covid-19, giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhất trí hai nước cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.

Đồng thời cảm ơn Việt Nam ủng hộ tiến trình hòa bình ở bán đảo Triều Tiên với việc tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội 2019.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ủng hộ tiến trình phi hạt nhân hóa và một bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào tiến trình này.

Hai bên nhất trí sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ qua tất cả các kênh, trên tất cả các mặt, trong đó có việc thúc đẩy trao đổi đoàn. Thủ tướng Phạm Minh Chính mời Tổng thống Hàn Quốc sang thăm Việt Nam và Tổng thống Hàn Quốc đã vui vẻ nhận lời.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in.

Gặp gỡ với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan trên nhiều lĩnh vực, cả trên bình diện song phương và đa phương.

Thủ tướng đề nghị thúc đẩy ký kết và triển khai các văn kiện hợp tác, nỗ lực đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - Thái Lan lên mốc 25 tỷ USD mỗi năm theo hướng cân bằng, bền vững hơn; đề nghị Thái Lan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi bán lẻ của Thái Lan, ưu tiên các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, rau quả, thuỷ sản…

Đồng thời hoan nghênh đầu tư của Thái Lan vào các lĩnh vực Thái Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha khẳng định Thái Lan sẵn sàng hợp tác nhiều mặt với Việt Nam trong đó có tăng cường đầu tư vào Việt Nam; đánh giá cao sự phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Về hợp tác phòng chống dịch bệnh và phục hồi, hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác về vắc-xin và thiết lập hành lang đi lại an toàn giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Thái Lan đã cam kết thúc đẩy xuất khẩu vắc xin AstraZenecca sản xuất tại Thái Lan vào Việt Nam; cảm ơn Thái Lan đã đưa Việt Nam vào nhóm nguy cơ thấp và không phải cách ly khi đến Thái Lan; đồng thời đề nghị hai nước sớm đàm phán công nhận hộ chiếu vắc-xin của mỗi nước.

Tại cuộc tiếp Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) Carlos Manuel Rodriguez, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn ông Carlos Manuel Rodriguez thời gian qua đã tích cực hỗ trợ Việt Nam giải quyết những vấn đề cấp bách về môi trường và biến đổi khí hậu, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao tầm nhìn dài hạn của GEF, trong đó có hỗ trợ các nước triển khai các chương trình, dự án nhằm đạt mục tiêu phục hồi thiên nhiên, trung hòa các-bon và không ô nhiễm vào năm 2050.

Về hợp tác với GEF trong chu kỳ 8 (giai đoạn 2022-2026), Thủ tướng đề nghị Quỹ tiếp tục hỗ trợ giải quyết các vấn đề môi trường, đặc biệt là trong 4 lĩnh vực chính gồm đảm bảo an ninh lương thực tại đồng bằng sông Cửu Long; xử lý rác thải nhựa đại dương; gìn giữ đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên và phục hồi hệ sinh thái; thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Tổng Giám đốc GEF đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam những năm gần đây trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu.

Những cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 là hết sức mạnh mẽ, kịp thời, thể hiện trách nhiệm sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Quỹ Môi trường toàn cầu sẽ tiếp tục đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt với 4 lĩnh vực ưu tiên mà   Thủ tướng đã nêu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị COP26.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị COP26.

Trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam coi trọng, đánh giá cao vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc, mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện với Liên Hợp Quốc.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế, trong đó có vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và thực hiện có trách nhiệm vai trò  Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong 2 năm 2020-2021.

Trao đổi với ngài Tổng Thư ký về những tác động, ảnh hưởng to lớn của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi phía bắc, miền trung, Thủ tướng tái khẳng định các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu.

Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng “0”, đóng góp ý nghĩa vào nỗ lực chung của thế giới nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.

Đồng thời, bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn, phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ Việt Nam và các nước ở lưu vực sông Mekong giải quyết các vấn đề sạt lở đất, xâm nhập mặn, chuyển đổi canh tác, sử dụng nguồn nước bền vững nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Với tình cảm chân thành, Tổng thư ký chia sẻ với Thủ tướng về những ấn tượng cá nhân tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam mà ông đã có dịp thăm trước đây.

Cũng trong tối 01/11/2021 (giờ địa phương), trong khuôn khổ tham dự chiêu đãi chính thức Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị COP26 của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Séc Andrej Babis, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic.

Trong trao đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước bày tỏ hài lòng về quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam.

Lãnh đạo các nước đặc biệt đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng tại COP26, trong đó thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về việc giảm phát thải ròng bằng “0”, đóng góp có ý nghĩa vào nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay cũng như theo đuổi mục tiêu kiềm chế sự nóng lên của trái đất ở mức dưới 1,5 độ C. Việt Nam là một ví dụ tốt cho cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực.

Lãnh đạo các nước cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước ở lưu vực sông Mekong giải quyết các vấn đề sạt lở đất, xâm nhập mặn, chuyển đổi canh tác, sử dụng nguồn nước bền vững nhằm đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững.

Lãnh đạo các nước đánh giá cam kết của Việt Nam giúp tăng cường lòng tin của các nhà đầu tư, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn, phát triển năng lượng tái tạo mà Việt Nam rất có tiềm năng thông qua việc kêu gọi, thu hút đầu tư, huy động tài chính khí hậu, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ.

Về Covid-19, Thủ tướng và lãnh đạo các nước chia sẻ tình hình diễn biến dịch bệnh cũng như các biện pháp điều trị, ứng phó, tiếp cận vắc-xin ở mỗi nước và trên thế giới.

Lãnh đạo các nước bày tỏ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam về vắc xin, trang thiết bị y tế trong thời gian tới. Nhân dịp này Thủ tướng chân thành cảm ơn Chính phủ Anh, Đức, Séc, Croatia đã hỗ trợ vắc-xin kịp thời cho Việt Nam trong lúc khó khăn, đây là sự hỗ trợ quý báu góp phần giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh.

 

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh