THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 04:04

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần có wifi để người cách ly nắm được thông tin, thỏa mãn nhu cầu giải trí

Tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly

Theo đó, Thủ tướng đề nghị cần có wifi để người cách ly truy cập nắm được thông tin truyền thông, thỏa mãn nhu cầu giải trí. Tránh để trường hợp người cách ly buồn chán, bức bối rồi tụ tập gây ra hiện tượng lây nhiễm chéo.

Theo đó, đoàn kiểm tra đã tới ba địa điểm là khu cách ly tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, cơ sở nghiên cứu vắc xin thuộc Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nằm trong Khu công nghệ cao TP.HCM (TP Thủ Đức) và Công ty Nissei Electric Vietnam Co.ltd thuộc Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức) để kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Cùng tháp tùng Thủ tướng còn có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Hiện nay, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP đang rất phức tạp và có nhiều điểm mới khó lường. Số người nhiễm bệnh tăng cao, tăng nhanh và dự báo khả năng số người nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần có wifi để người cách ly truy cập nắm được thông tin truyền thông, thỏa mãn nhu cầu giải trí - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi phương hướng phòng, chống dịch COVID-19 với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh

Thủ tướng yêu cầu TP. Hồ Chí Minh tiếp tục siết chặt, nâng cao hơn mức độ của các biện pháp phòng, chống dịch đang triển khai tại TP Hồ Chí Minh để có thể nhanh chóng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nhất là các chuỗi dịch chưa rõ nguồn lây. Qua đó, Thủ tướng đề nghị người cách ly phải được sinh hoạt, vệ sinh riêng. không để khu cách ly tập trung trở thành nơi có nguy cơ lây nhiễm. Đồng thời, tăng cường lực lượng công an bảo vệ không để người cách ly trốn ra ngoài hoặc có sự giao lưu giữa những người cách ly với nhau.

Bên cạnh đó, thành phố cần chú ý đến tâm lý người phải cách ly, cần có biện pháp để người cách ly có tâm lý thoải mái, không bức bối. Cụ thể, Thủ tướng đề nghị cần có wifi để người cách ly truy cập nắm được thông tin truyền thông, thỏa mãn nhu cầu giải trí. Tránh để trường hợp người cách ly buồn chán, bức bối rồi tụ tập gây ra hiện tượng lây nhiễm chéo.

Về vaccine phòng COVID-19, theo Thủ tướng, sản xuất vaccine là quá trình xây dựng nền tảng, đầu tư về con người, cơ sở vật chất và công nghệ.Việc sản xuất được vaccine trong nước, theo Thủ tướng sẽ đồng thời giảm giá thành vận chuyển và sẽ hoàn toàn chủ động. Theo ông để có vaccine, phải đi bằng nhiều hướng. Và không chỉ là vaccine ngừa COVID-19 mà còn nhiều loại vaccine  khác.

"Vaccine có tính chất quyết định, nếu nước nào tiêm được vaccine thì sẽ đưa cuộc sống trở lại bình thường", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Test nhanh và công nghệ thông tin là "chìa khoá" để đảm bảo cách ly có hiệu quả

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, Thành phố đã chuẩn bị 30.000 chỗ cách ly, chưa kể các khu cách ly của từng quận, huyện. Riêng tại Đại học Quốc gia TP có 19.200 chỗ cách ly và đã tiếp nhận khoảng 7.000 người, hiện còn khoảng 5.000 người đang tiếp tục cách ly. 

Thành phố bố trí mỗi phòng chỉ cách ly 2 người, một số trường hợp có nguy cơ cao sẽ được cách ly 1 người/phòng. Trong khu cách ly có đầy đủ tiện nghi, nhà vệ sinh riêng mỗi phòng, có trang bị hệ thống camera giám sát. Người dân trong khu cách ly được lấy mẫu test định kỳ, từ 3-5 ngày một lần và được bác sĩ thăm khám 3 lần/ngày để theo dõi tình hình sức khỏe. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần có wifi để người cách ly nắm được thông tin, thỏa mãn nhu cầu giải trí - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, trao đổi về các biện pháp phòng, chống dịch tại khu cách ly. Ảnh: Huyền Mai

Trao đổi với lãnh đạo TP, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, test nhanh và áp dụng công nghệ là chìa khóa để bảo đảm công tác cách ly có hiệu quả. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ Giao thông Vận tải thực hiện ngay việc chuyển các bộ kit thử nhanh cho TP, trong đó có sản phẩm của Công ty Medicon tại Hà Nội mà Thủ tướng vừa tới thăm và làm việc ngày 24/6. Sản phẩm test nhanh của Công ty này có giá chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm nhập khẩu nhưng chất lượng tương đương và quan trọng nhất là có thể chủ động được nguồn cung, với công suất khoảng 120.000 sản phẩm mỗi ngày và có thể tăng thêm. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng hỗ trợ TPHCM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tại các khu cách ly.

Nhắc lại bài học kinh nghiệm tại Bắc Giang khi để xảy ra nhiều ca lây nhiễm chéo trong khu cách ly, Thủ tướng lưu ý các khu cách ly cần tăng cường lực lượng bảo vệ, huy động cả công an và quân đội nếu cần thiết. Đồng thời, phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong khu cách ly, trang bị wifi, thiết bị giải trí để người dân không vì bức bách, bức xúc mà tìm cách ra ngoài khu cách ly, gây nguy cơ lây chéo trong cộng đồng.

Thành lập tổ hành động hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao và sản xuất vaccine

Đoàn công tác đến thăm và làm việc với Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, đơn vị vừa kiến nghị cấp phép khẩn cấp vaccine Nano Covax. Theo báo SGGP, báo cáo với đoàn công tác, ông Hồ Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Nanogen cho biết, hiện đơn vị có 4 nhà máy sản xuất vaccine và với năng lực hiện tại, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu vaccine phòng COVID-19 trong nước. Hiện mẫu vaccine của Nanogen cũng đã được gửi cho WHO kiểm tra. Ngoài ra có vài chục nước, trong đó có Ấn Độ, đã ký biên bản ghi nhớ đề nghị Nanogen hợp tác phân phối vaccine sau khi hoàn tất thử nghiệm.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng hoan nghênh Nanogen đã đầu tư nghiên cứu sản xuất vaccine rất nghiêm túc, bài bản, chủ động đi thẳng vào vấn đề đất nước, nhân dân đang cần liên quan đến nghiên cứu sản xuất vaccine và các sinh phẩm tham gia vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. 

Thủ tướng nhấn mạnh, về nguyên tắc, việc đưa vaccine vào tiêm chủng trong cộng đồng vẫn phải đảm bảo đúng quy trình, theo quy định của thế giới, theo quy định của Việt Nam vì đây liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người. Vì vậy phải tuân thủ quy trình chặt chẽ, an toàn, có tính khoa học, có hiệu quả bao gồm ngăn chặn được dịch bệnh, chi phí cạnh tranh, rồi từ đó được nhân dân ủng hộ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau buổi làm việc này, Chính phủ sẽ tổ chức một buổi làm việc sâu hơn, tổng thể hơn, bao quát hơn và có tính khoa học hơn. Buổi làm việc sẽ có các nhà khoa học, nhà quản lý và nhà sản xuất để tiếp tục giải quyết những ách tắc trong khâu nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa COVID-19. 

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu thành lập Tổ hành động hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao và sản xuất vaccine phòng chống dịch COVID-19. Tổ này giao cho một người có thẩm quyền có thể xử lý nhằm thúc đẩy có vaccine trong nước nhanh nhất có thể nhưng phải đảm bảo quy trình chặt chẽ, an toàn, có tính khoa học, có hiệu quả.  

“Để chúng ta có được sản phẩm trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể và trên tinh thần đó chúng ta mới chủ động được. Miễn dịch cộng đồng là yêu cầu rất lớn, nguyên tắc phải miễn phí cho toàn dân. Chúng ta chưa biết tuổi đời vaccine này nhưng rõ ràng nó phải theo chu kỳ nhất định chứ không thể miễn dịch cả đời được. Vì vậy mình phải chủ động, không những chủ động cho năm nay, cho sang năm mà cho cả những năm tới nữa”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chiến lược vaccine của chúng ta về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước, đây là chiến lược vừa có tính chất trước mắt và vừa có tính chất lâu dài. Chúng ta phải đặt nền móng lâu dài, có tính chiến lược để ứng phó với tình hình dịch bệnh ngày một diễn biến phức tạp.

Vừa chống dịch, vừa sản xuất, vừa bảo đảm đời sống công nhân

Thông tin từ báo Chính phủ, đến thăm công ty Nissei Electric Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản chuyên sản xuất dây cáp điện tại khu chế xuất Tân Thuận,Thủ tướng đánh giá cao các nỗ lực của Công ty để phục hồi doanh thu về mức trước đại dịch sau khi giảm khoảng 10% trong năm 2020, hiện đạt khoảng 80 triệu USD mỗi năm. Công ty đã áp dụng nhiều giải pháp phòng chống dịch như chia ca sản xuất, giảm lượng người tập trung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần có wifi để người cách ly nắm được thông tin, thỏa mãn nhu cầu giải trí - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo TPHCM và các bộ ngành làm việc với Công ty Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung, TP Thủ Đức). Ảnh: Huyền Mai

Thủ tướng đề nghị, trong điều kiện đặc biệt, cần có giải pháp đặc biệt, mong muốn công ty nói riêng và các doanh nghiệp FDI nói chung chia sẻ khó khăn trong bối cảnh đại dịch, cùng với Chính phủ và chính quyền địa phương chung tay chống dịch để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân, đồng thời bảo đảm đời sống công nhân để khi tình hình trở lại bình thường, chuỗi sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy.

Thủ tướng cho biết, phía Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam 2 triệu liều vaccine, trong đó có 800.000 liều đã được dành cho TP. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cao nhất để có nhiều nhất, nhanh nhất vaccine phòng chống dịch COVID-19 và sẽ tiếp tục ưu tiên vaccine cho các lực lượng tuyến đầu, trong đó có có công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần có wifi để người cách ly nắm được thông tin, thỏa mãn nhu cầu giải trí - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với nhân viên Công ty Nissei Electric Việt Nam. Ảnh: Huyền Mai

Chính phủ Việt Nam xác định “chống dịch như chống giặc”, người Việt Nam có truyền thống “vừa tăng gia sản xuất, vừa đánh giặc”. Thủ tướng đề nghị trong trường hợp dịch bệnh phức tạp hơn, Công ty có thể nghiên cứu phương thức vừa cách ly công nhân, người lao động tại chỗ, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ quan điểm này của Thủ tướng.

“Vừa chung tay chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm đời sống công nhân. Chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, đó là mong muốn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các doanh nghiệp. Nếu có vướng mắc, doanh nghiệp thẳng thắn gửi các kiến nghị tới các cấp chính quyền trên tinh thần xây dựng để được xem xét giải quyết.

Tính đến 06 giờ ngày 24/6, có 2.714 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố; trong đó: 2.463 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 247 trường hợp nhập cảnh, 4 trường hợp lây trong khu cách ly. 563 bệnh nhân đã được cấp mã số BN14538-BN15100 đang hoàn tất hồ sơ chi tiết cho từng bệnh nhân.

Ngoài việc đẩy nhanh truy vết, xét nghiệm sàng lọc, TP.HCM cũng đang đẩy hết tốc lực cho chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 lớn nhất từ trước tới nay với hơn 800.000 liều do Chính phủ phân bổ.

 


PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh