THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:54

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đông Nam Bộ

Dự hội nghị có Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng. Cùng dự có Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh.

Động lực phát triển của cả nước

Theo báo cáo,vùng Đông Nam Bộ  có diện tích 23.551 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước; dân số khoảng 18,8 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước; là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Trong đó, Bộ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện nay mật độ dân số ở thành phố Hồ Chí Minh là 4292 người/km, trong khi đó ở Hà Nội chỉ là 2398 người/km, vùng Đông Nam Bộ tăng 795 người/km và trung bình cả nước là 320 người/km.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Năm 2022, GRDP vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước; GRDP bình quân đầu người gấp 1,64 lần cả nước; tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 66,5%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước.

Về đô thị hạ tầng, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Đông Nam Bộ có vị trí vai trò rất quan trọng, vùng có tốc độ đô thị hóa cao, đóng góp lớn cho tăng trưởng của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông bao gồm đầy đủ 5 phương thức vận tải, thuận lợi trong kết nối giao thương trong và ngoài nước. Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương tập trung tư nguồn lực đầu xây dựng và kết cấu hạ tầng giao thông đạt nhiều kết quả. Về nhiệm vụ cao tốc đã đưa vào khai thác 103 km, thi công 178 km, chuẩn bị khởi công 126km và phấn đấu đến năm 2025 có hơn 400 km đường cao tốc được đưa vào khai thác.

Ưu tiên tập trung nguồn lực để tập trung kết cấu hạ tầng giao thông, hiện đại, đồng bộ. Theo quy hoạch dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ là khoảng 738.500 tỷ đồng. Đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm kết nối vùng Đông Nam Bộ, lập tổ chức thực hiện quy hoạch, cần chủ động tìm kiếm doanh nghiệp đầu tư vào giao thông trong đó một cảng biển rất quan trọng là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, tránh tình trạng phân lô bán nền trong xây dựng cảng biển. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù có tính đột phá vượt trội đẩy mạnh phát triển vùng.

Bộ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết để phát triển các vùng đô thị lớn trong vùng Đông Nam Bộ cần có những giải pháp về quy hoạch hệ thống đô thị là cơ sở quan trọng trong thực hiện điều phối liên kết. Phát triển vùng Đông Nam Bộ với mô hình tập trung đa cực, đảm bảo sự thống nhất, cân bằng với sự phát triển vùng, biến đổi khí hậu, tiết kiệm tài nguyên năng lượng. Hạn chế mở rộng phát triển đô thị tại các nơi chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tập trung nâng cao chất lượng đô thị, ưu tiên hình thành vùng không gian xanh.Tập trung đầu tư khép kín đường xuyên tâm, đường vành đai, hệ thống giao thông công cộng, phát triển đường sắt. Quan tâm hơn nữa đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục để đáp ứng vai trò vị trí đô thị trong vùng.

Là hạt nhân phát triển của vùng, thay mặt lãnh đạo TP.HCM, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù vùng, thành lập quỹ phát triển kết nối giao thông vùng, thành lập trung tâm kiểm soát vùng, mạng lưới bệnh viện tuyến cuối của vùng để tránh tình trạng đổ dồn tuyến cuối lên thành phố qua đó kịp thời chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thành lập trung tâm chuyển đổi số, vùng và quốc gia. Xây dựng trung tâm dữ liệu về quy hoạch kinh tế xã hội vùng, phát triển vùng công nghiệp dữ liệu.

Cần có động lực để phát triển, tránh đùn đẩy trách nghiệm cho nhau

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, vùng Đông Nam Bộ cần tập trung công tác quy hoạch, thu hẹp lộ trình, có tầm nhìn quy hoạch phải tư duy đổi mới, hạn chế, hóa giải những tồn tại yếu kém, thách thức của vùng.

Thủ tướng cho biết  lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất trăn trở và chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước. Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh 2 vấn đề là điều phối và liên kết vùng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất ý kiến, đề xuất một số cơ chế.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất ý kiến, đề xuất một số cơ chế.

Thủ tướng chỉ rõ, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ là một trong 4 Hội đồng điều phối vùng được Thủ tướng Chính phủ thành lập để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.

Để Hội đồng điều phối hoạt động hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bí thư, thành viên Hội đồng vùng tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Giải quyết vấn đề nhà ở, vấn đề môi trường, ách tắc giao thông, những khu ổ chuột của thành phố. Huy động nguồn lực về tài chính, nguồn lực về con người. Tập trung chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

“Đã đột phá phải có cơ chế ưu tiên thì mới làm được, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt đầu từ sự đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Có sự đoàn kết thống nhất, đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Hình thành trung tâm dữ liệu quốc gia của vùng tại thành phố Hồ Chí Minh. Đã làm là phải làm đến nơi đến chốn, không hình thức, không hành chính, không mất thời gian, phải ra được hiệu quả, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Thúc đẩy đầu tư công rất cần thiết. Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu là trung tâm là hạt nhân của vùng.”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

PHÚC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh