THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:11

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ưu tiên đầu tư cho “lõi đói nghèo” của cả nước

 

Không dùng tiền thuế của dân để bù lỗ cho các đơn vị thua lỗ

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề cập đến vấn đề sử dụng tài sản công lãng phí, kém hiệu quả. Thủ tướng xác nhận việc dùng xe công, đất công, trụ sở công… vẫn còn rất nhiều lãng phí. Giải pháp là các tiêu chuẩn định mức phải được công khai, minh bạch cho mọi người dân được biết. Các hình thức như khoán kinh phí xe công, khoán nhà cũng cần quyết liệt thực hiện và điều quan trọng nhất là đơn vị nào, cơ quan nào để lãng phí thì người đứng đầu chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước nhân dân. Việc giám sát của cơ quan dân cử cũng rất quan trọng.  Đây là khâu yếu nên cần quan tâm nhằm đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường chất vấnThủ tướng về vấn đề lãng phí tài sản công

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nói về 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ lớn. Ông Minh cho rằng việc làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức với những dự án gây thiệt hại lớn này đang rất chậm và việc xử lý chậm sẽ càng ngày càng gây thua lỗ lớn. Thủ tướng cần chỉ đạo quyết liệt việc này để lấy lại niềm tin của người dân. Kết quả cải cách hành chính công, người dân chưa hài lòng về đạo đức công vụ của cán bộ công chức viên chức. Chính phủ đang quyết tâm xây dựng theo hướng liêm chính, kiến tạo, phục vụ thì giải pháp gì trước hết cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công?

Vấn đề xử lý dự án thua lỗ nghìn tỷ, Thủ tướng khẳng định không dùng tiền thuế của dân để bù lỗ cho những đơn vị này. Không thể tiếp tục dùng ngân sách tiếp tục đổ vào những dự án thua lỗ. Với từng dự án, Thủ tướng cho biết đã có kế hoạch với từng trường hợp cụ thể để thu hồi tiền nhà nước tối đa trên tinh thần cắt lỗ, sử dụng hiệu quả có thể bán khoán, cho thuê, thậm chí phá sản để giảm thua lỗ, không để tạo gánh nặng của nền kinh tế. Với từng dự án, Chính phủ sẽ xem xét hết sức cụ thể để có hiệu quả tốt nhất và báo cáo kết quả xử lý dự án này với Quốc hội thời gian tới.

Về dịch vụ hành chính công, chúng ta áp dụng một số mô hình đang làm: Mô hình một cửa và người dân đánh giá sự hài lòng về cán bộ. Làm thế nào dân biết đánh giá mình là cần thiết. Cùng với đó là áp dụng công nghệ thông tin, minh bạch, giám sát và tiếp tục triển khai mô hình trung tâm dịch vụ hành chính công thời gian tới.

 Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề cập  đến giải pháp để nền kinh tế đảm bảo độc lập tự chủ trong hội nhập, cơ cấu lại nền nông nghiệp theo xu hướng sản xuất lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nhập sâu rộng nhưng độc lập tự chủ nền kinh tế là vấn đề mà các quốc gia cũng như Việt Nam luôn đặt ra. Đó là không để phụ thuộc một thị trường, một đối tác nào mà Việt Nam sẽ chú trọng phát triển những doanh nghiệp nội lớn với thương hiệu mạnh.

Trên tinh thần như vậy, chúng ta có nhiều biện pháp để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó có tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng thể chế, phát triển thế mạnh của Việt Nam (nông nghiệp, du lịch,..), mở rộng thị trường để không bị lệ thuộc... Bác Hồ từng nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, thì tự chủ về kinh tế cũng rất quan trọng trong điều kiện hội nhập hiện nay. Chúng ta luôn luôn chủ động để đạt điều này.

Riêng về ngành nông nghiệp, đây được xác định là một lợi thế so sánh lớn mà không phải quốc gia nào cũng có được. Để phát triển nông nghiệp quy mô lớn thì rào cản trước hết cần tháo gỡ là vấn đề hạn điền để tích tụ ruộng đất, sản xuất công nghiệp. Sau nữa, Thủ tướng đề cập vấn đề đầu tư công nghệ, vốn cho sản xuất nông nghiệp. Nếu có một nền tài chính tốt có thể giải quyết vấn đề trong thời gian tới.

“Quan trọng nhất là phải tái cơ cấu nông nghiệp để tạo sản phẩm lợi thế so sánh ở mỗi địa phương cụ thể” – Thủ tướng nói.

 

Đại biểu Lê Quân đề cập đến tương lai của TTP

 

Về môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng nhắc đến kết quả vượt 9 bậc trên bảng xếp hạng quốc tế, nhất là về các tiêu chí như nộp thuế, tiếp cận đất đai, điện, thủ tục hải quan… “Như vậy là có sự tiến bộ, dù chúng ta còn phải cố gắng hơn nữa. Hiện trong ASEAN, môi trường cạnh tranh của Việt Nam đang được xếp thứ 5 và Chính phủ sẽ nỗ lực, quyết tâm để bước vào top 4 trong năm 2017.

Đề cập đến tương lai của TPP, Thủ tướng khẳng định Việt Nam là 1 trong 12 nước tham gia. Mỹ đã tuyên bố dừng trình Quốc hội phê chuẩn TPP nên Việt Nam cũng đang cân nhắc việc này. Dù có tham gia hay không thì Thủ tướng khẳng định Việt Nam vẫn tiếp tục trên đường hội nhập quốc tế, với 12 hiệp định thương mại tự do khác đã ký.

 Ưu tiên đầu tư cho “lõi đói nghèo” của cả nước

Về câu hỏi liên quan chủ trương đóng cửa rừng nhưng vẫn đảm bảo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng cũng như giải pháp thúc đẩy kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi, giảm di cư tự do của đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), Thủ tướng khẳng định đây là chủ trương đúng, phù hợp xu hướng thế giới mà Việt Nam đã đi sớm, thực hiện trước, được nhân dân ủng hộ. Theo đó nơi nào, lực lượng nào để xảy ra tình trạng phá rừng tự nhiên đều bị xử lý. Đồng thời các giải pháp để chống di cư tự do, xâm hại rừng tự nhiên cũng được đặt ra.

 

Đại biểu Cao Thị Xuân đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc

 

Về việc phát triển cộng đồng dân tộc thiểu số, theo Thủ tướng, đất nước ta có 54 dân tộc anh em, cả nước có 13 triệu đồng bào dân tộc thiểu số nhưng tỷ lệ đói nghèo hiện vẫn chiếm tới 1/3 – cao hơn hẳn tỷ lệ chung cả nước, là khu vực “lõi đói nghèo” của cả nước. Dù ngân sách nhà nước đang khó khăn nhưng Chính phủ vẫn ưu tiên đề xuất dành vốn đầu tư cho khu vực này, tập trung vào việc xây dựng hạ tầng, đường sá, trường học cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà nước đang hỗ trợ 12 dân tộc rất ít người với những chính sách đặc biệt như nâng cao dân trí, vừa qua thông qua chương trình trái phiếu Chính phủ xây dựng trường mầm non vùng cao; xây dựng hạ tầng, giữ gìn văn hoá là nhiệm vụ. Tiếp tục triển khai các trương trình, có chính sách đặc thù; đưa khoa học công nghệ lên vùng núi, vùng cao để phát triển bền vững.

Cải cách tiền lương đi liền với cải cách bộ máy

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, cử tri, nhân dân đồng tình, ủng hộ với thái độ trách nhiệm và thông điệp mà Thủ tướng đưa ra. Tuy vậy, cử tri quan tâm, lo lắng, bất bình trước thực trạng kỷ luật kỷ cương không nghiêm; một bộ phận cán bộ tha hoá, biến chất, trong đó có người ở cương vị lãnh đạo quản lý.

Thủ tướng có quyết tâm, quyết liệt chấn chỉnh thực trạng trên và giải pháp?

Thủ tướng thừa nhận tình trạng tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, đang là thách thức về niềm tin của người dân. Để tạo niềm tin cho toàn dân, toàn quân cần loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất ra khỏi bộ máy. Đây là yêu cầu cấp bách nên cần chủ trương, biện pháp cụ thể. 

Thủ tướng cho biết, Chính phủ mới ký Chỉ thị mới nhất về tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính. Giải pháp thứ hai là tăng cường giáo dục đạo đức cho cán bộ, đi liền với việc xử lý nghiêm khắc cá nhân tập thể vi phạm, thực hiện nghiêm Nghị quyết 4 của Ban chấp hành TƯ Đảng XII. Cùng với đó là công khai minh bạch, quyền lực phải được kiểm soát. Có cơ chế quản lý hạn chế thấp nhất tình trạng xin-cho, nhất là liên quan tài chính, ngân sách, tài nguyên, đất đai..

“Trong tình hình hiện nay, tiếp tục cải cách tiền lương với cán bộ công chức đi liền với cải cách bộ máy là giải pháp để tăng cường kỷ cương, chống thoái hóa cán bộ. Chính phủ thực hiện giải pháp này với quyết tâm lớn - Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề cập đến công tác bổ nhiệm cán bộ

 

Biện pháp chống tham nhũng được Thủ tướng nhấn mạnh là nguyên tắc thể chế phòng chống không có kẽ hở (không thể, không dám, không muốn tham nhũng), loại bỏ cơ chế xin – cho, xử lý nghiêm minh, tăng cường kiểm soát quyền lực với bất cứ cấp cán bộ nào… Đồng thời, cũng cần phát huy cơ chế giám sát của nhân dân, của báo chí cũng như các tổ chức chính trị- xã hội  để tạo ra tinh thần đấu tranh quyết liệt, quyết tâm loại bỏ quốc nạn tham nhũng ới những biện pháp đồng bộ như vậy, Thủ tướng khẳng định sự tin tưởng cả hệ thống sẽ đẩy lùi được tham nhũng.

Trước thắc mắc của Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): liệu quy trình bổ nhiệm cán bộ liệu có còn phù hợp? Giải pháp nào để tìm và bổ nhiệm người tài, người có tâm, có tầm dù họ ở đâu, con ai để công minh, bình đẳng? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quy trình bổ nhiệm đã xây dựng, triển khai và mang lại hiệu quả. Sắp tới đây Bộ Nội vụ cùng Ban tổ chức Trung ương bổ sung để có quy trình minh bạch, để phát hiện cán bộ từ cơ sở. Đẩy mạnh tính cạnh tranh lành mạnh của công tác cán bộ như qua thi cử, hợp đồng có thời hạn, bầu có số dư, quy hoạch thực chất hơn và đánh giá cán bộ chặt chẽ hơn. Với các giải pháp như thế thì công tác cán bộ sắp tới sẽ tốt hơn.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh