THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:52

Thủ tướng "thúc" Thừa Thiên Huế cần có giải pháp mạnh mẽ phát triển du lịch

Toàn cảnh buổi làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ với lãnh đạo chủ chốt Thừa Thiên Huế

Trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2018, ngày 2/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có chuyến thăm và làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng đi có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Về phía lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có các ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành.

Tập trung vào 3 mũi đột phá có tính chiến lược

Tại buổi làm việc của đoàn công tác với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Nguyễn Văn Cao cho biết: sau 2 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2016- 2020)  Thừa Thiên Huế đã chủ động huy động nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trong khu vực, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tiến bộ; dịch vụ chiếm 57%, công nghiệp chiếm 32,5%, nông nghiệp giảm còn 10,5% trong GRDP…

Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang quyết tâm đầu tư phát triển theo hướng “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường” nhằm phát huy lợi thế nổi trội về văn hóa, lịch sử và du lịch, kiên trì mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Trong đó, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn để tạo đột phá trong phát triển kinh tế; phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường tạo nguồn thu ngân sách; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ngông nghiệp sạch để phục vụ du lịch và nâng cao sức khỏe cho người dân.

Để thực hiện mục tiêu này, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, tỉnh sẽ tập trung vào 3 mũi đột phá có tính chiến lược. Đó là, tập trung phát triển du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đóng góp 25-30% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ. Cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư gắn với tang cường đổi mới công tác xúc tiến đầu tư.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Thừa Thiên Huế đã kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành các nội dung, bao gồm: chủ trương tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD và đầu tư kinh doanh casino cho dự án Laguna Lăng Cô; đề nghị bổ sung quy hoạch 2 sân golf ven biển; quy hoạch Bạch Mã, trong đó có chủ trương khôi phục 139 biệt thự trên đỉnh Bạch Mã, xây dựng khu du lịch dịch vụ ngoài phân khu hành chính và đề xuất phương án sử dụng cáp treo; quy hoạch phát triển điện lực; nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Bài; gia hạn Hiệp định vay vốn dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế; phát triển giáo dục; đầu tư dự án Viện công nghệ sinh học miền Trung; giải tỏa khu vực I di tích Huế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại buổi làm việc 

Phải tạo đột phá mạnh mẽ

Trước những kết quả mà Thừa Thiên Huế đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng lớn lao, toàn diện trên nhiều mặt của địa phương. Những thành quả đó được thể hiện ở việc dịch chuyển kinh tế - xã hội theo hướng rất tiến bộ: dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp; tỉnh đã làm tốt một số chính sách cho người dân như: giảm tỷ lệ  hộ nghèo, nâng cao tỉ lệ tham gia bảo hiểm... Đồng thời, đề nghị lãnh đạo tỉnh cần tiếp thu những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, Chính phủ để hoàn thiện kế hoạch, tìm cách làm tốt nhất cho định hướng phát triển năm 2018.

Bước sang năm mới 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thừa Thiên Huế cần bám sát Nghị quyết Trung ương 6 của Đảng và Nghị quyết 01 của Chính phủ để huy động nguồn lực phát triển; Tỉnh cần phải thảo luận để có cơ chế, chính sách cụ thể trong phát triển, đồng thời phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, chú trọng bảo vệ môi trường để xây dựng Huế có môi trường sống tuyệt vời và trở thành một nơi đáng sống. 

Đồng thời, về phương hướng phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục có các giải pháp đột phá mạnh mẽ về du lịch- dịch vụ, làm điều đặn, có chiều sâu để làm sao du khách đến Huế ở lại lâu hơn. Muốn làm được điều này cần quan tâm đến chất lượng du lịch, phát triển nhiều loại doanh nghiệp và phát huy các ngành nghề truyền thống phục vụ cho du lịch. Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh chú trọng giữ gìn di sản văn hóa. Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, Thừa Thiên Huế cần quản lý tốt quy hoạch và phát huy lợi thế so sánh để phát triển nhưng không làm mâu thuẫn giữa phát triển với bảo tồn di sản văn hóa.

Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về mặt chủ trương đối với các kiến nghị của tỉnh về thu hút đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh đối với một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh. Song Thủ tướng lưu ý địa phươgn trogn việc thu hút đầu tư phát triển phải phù hợp với mục tiêu phát triển của tỉnh và phục vụ tốt cho phát triển du lịch - dịch vụ. Thủ tướng giao cho các bộ, ngành xem xét tham mưu Chính phủ đối với một số dự án đầu tư có tính khả thi, phục vụ ngay và kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là việc mở rộng cảng hàng không Quốc tế Phú Bài và đầu tư nguồn lực cho phát triển Đại học Huế. Đối với việc hỗ trợ di dời, đền bù giải tỏa và tái định cư hơn 3.000 hộ dân trong phạm vi khu vực I khoanh vùng bảo vệ di tích thuộc khu vực kinh thành Huế, Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh đề xuất cơ chế đặc thù, báo cáo Chính phủ xem xét cụ thể vấn đề này.

Sau khi kết thúc buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, động viên Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hường, ở phường Xuân Phú và Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hiệp, ở phường Trường An (TP Huế). Thủ tướng cũng đã tham quan Trung tâm Hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhân chuyến thăm và làm việc tại Thừa Thiên Huế, sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) tại Khu du lịch Laguna Lăng Cô; Vườn Quốc gia Bạch Mã và Đại học Huế. 

Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác, đại diện Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) cho biết, Khu du lịch Laguna Lăng Cô được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007, hiện Laguana Lăng Cô đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án với việc đưa vào vận hành khách sạn Angsana Lăng Cô 229 phòng, sân golf và nhiều hạng mục khác với số vốn đầu tư 230 triệu USD.

Mới đây, dự án này đã đề xuất tăng vốn từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD để triển khai bổ sung hạng mục khách sạn sao, căn hộ biệt thự nghỉ dưỡng, hoạt động kinh doanh casino…

Thủ tướng Chính Phủ mong muốn Tập đoàn Banyan Tree tiếp tục đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án nhằm đưa Laguna Lăng Cô trở thành khu nghỉ dưỡng phức hợp hàng đầu Việt Nam và vươn tầm khu vực.

Đến thăm Vườn quốc gia Bạch Mã, Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu của vườn quốc gia Bạch Mã trong nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học độc đáo của Bạch Mã, đồng thời ghi nhận các ý kiến đề xuất nhằm phát triển du lịch bền vững Vườn quốc gia Bạch Mã. Thủ tướng và đoàn công tác đã trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Trung tâm điều hành dịch vụ du lịch Vườn quốc gia Bạch Mã.

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc tại Đại học Huế. Thủ tướng ghi nhận các đề nghị của Ban giám đốc Đại học Huế về việc Chính Phủ tiếp tục đầu tư 100 triệu USD để xây dựng Khu đô thị Đại học Huế tại Trường Bia và cho cơ chế để Đại Học Huế thực hiện lộ trình tự chủ đại học.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà ĐH Huế đạt được đồng thời chỉ ra một số hạn chế mà ĐH Huế cần khắc phục, như: tỷ lệ đầu ra việc làm của sinh viên ở một số ngành chưa cao, đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường lao động; định hướng nghiên cứu cần rõ nét hơn; hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên chưa mạnh; cơ sở vật chất thiếu đồng bộ…

Thủ tướng đề nghị ĐH Huế và các trường thành viên tăng cường kết nối với các nhà tuyển dụng trong đào tạo của trường, tổ chức các chương trình hướng nghiệp; chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, giảng viên; đẩy mạnh hợp tác quốc tế...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất hỗ trợ dự án đầu tư khu đô thị đại học xứng tầm với vị trí của ĐH Huế. Đồng thời, giao cho chính quyền địa phương vận động, thúc đẩy mạnh mẽ hơn để Huế sớm có đô thị đại học. Giao quyền cho ĐH Huế tăng tính chủ động trong các hoạt động tự chủ ĐH.

Về vấn đề tái cấu trúc để hoàn thiện cơ cấu tổ chức của các đơn vị thành viên trực thuộc. Thủ tướng đề nghị ĐH Huế có đề án phát triển trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo để tái cấu trúc phù hợp trên tinh thần đổi mới, nâng tầm nhìn và mục tiêu toàn diện về phát triển đào tạo…

Một số hình ảnh chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Thừa Thiên Huế:

Sáng 2/1, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) tại Khu du lịch Laguna Lăng Cô

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tập đoàn của Singapore

Sau đó, đoàn đã tới thăm, làm việc và trồng cây lưu niệm tại Vườn Quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế

Sáng cùng ngày, đoàn công tác đã có buổi làm việc với Đại học Huế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác cũng đã trồng cây lưu niệm tại khuôn viên Đại học Huế (Số 01, Lê Lợi, TP. Huế)

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế tặng Thủ tướng món quà ý nghĩa với bức tranh thể hiện khu vực cổng Ngọ Môn - Đại Nội Huế

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh