CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:31

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất"

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp

Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế Việt Nam trong tháng 11 năm 2020 tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới.

Sản xuất kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Lạm phát được kiểm soát, xuất siêu kỷ lục, dự trữ ngoại hối cao. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất khả quan.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 giảm 0,01% so với tháng trước. Bình quân trong 11 tháng của năm 2020 CPI chỉ tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất siêu ở mức kỷ lục với 20,1 tỷ USD; xuất khẩu đạt 254 tỷ USD. Có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).

Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; 11 tháng 2020 giải ngân đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ (mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020).

Sản xuất công nghiệp có bước khởi sắc; đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo tháng 11/2020 tăng 11,9% so với cùng kỳ (IIP toàn ngành tăng 9,2%).

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tiếp tục xu hướng phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 tăng 8,5%. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trong tháng 11 đời sống của người dân nhìn chung ổn định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất" - Ảnh 1.

Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu kép trên tinh thần bảo vệ tốt sức khỏe của người dân, không được lơ là chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh (Ảnh: VGP)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia lớn là đối tác quan trọng của Việt Nam và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thương mại, du lịch và đầu tư. Trong nước, sản xuất công nghiệp tăng, nhưng chậm lại so với tháng trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phục hồi chậm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao; thiên tai, bão lụt tác động lớn đến sản xuất và đời sống của người dân; đã xuất hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở TPHCM.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, mặc dù còn khó khăn, thách thức, nhiều cơ hội vẫn đang rộng mở để Việt Nam có thể nắm bắt, vươn lên. Các cân đối vĩ mô quan trọng được giữ vững tạo điều kiện tốt để tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế. Các hiệp định EVFTA và RCEP là thời cơ tốt để thúc đẩy thương mại...

Không hoang mang nhưng không được chủ quan, thực hiện tốt "Thông điệp 5K" trong phòng chống dịch

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù là một tháng đầy khó khăn, thách thức nhưng tháng 11 vừa qua vẫn có một số điểm sáng về kinh tế- xã hội, đó là hoạt động kinh tế - xã hội trên đà tích cực, nhất là nghị quyết về các gói hỗ trợ đã được tháo gỡ, đi vào cuộc sống nhiều hơn. Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu…

Theo Thủ tướng, khả năng trong năm 2020, chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5% và phấn đấu đạt 3%. "Lời hứa trước Quốc hội, trước nhân dân về tăng trưởng được thực hiện nghiêm túc", Thủ tướng khẳng định.

Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế cũng đạt được kết quả tích cực, hình ảnh và uy tín của Việt Nam được nâng cao. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 góp phần phục hồi xuất khẩu sang châu Âu, đặc biệt là Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực trong vòng 18 tháng tới, sẽ mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu, đầu tư, du lịch, đồng thời là nhân tố quan trọng tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất" - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 (Ảnh: VGP)

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng  ghi nhận các ý kiến nêu về các rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội. Từ bên ngoài, có 3 rủi ro chính là dịch COVID-19 diễn biến khó lường, vẫn chưa kiểm soát tại nhiều nước, nhiều khu vực; căng thẳng thương mại và công nghệ còn leo thang và khó đoán; không chỉ địa chính trị phức tạp mà thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Lưu ý chỉ đạo điều hành trong tháng còn lại của năm, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt bão lũ, sạt lở vừa qua tiếp tục khẩn trương thực hiện như Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Về Covid-19, Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu kép trên tinh thần bảo vệ tốt sức khỏe của người dân, không được lơ là chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh. Phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chiến lược từng mang lại hiệu quả tốt, đó là kiểm soát chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng, dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả. Đề cao cảnh giác, thực hiện tốt "Thông điệp 5K", trước hết là khử khuẩn tay và đeo khẩu trang, nhất là những nơi đông người, phương tiện công cộng. Một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, một số thành phố lớn cần tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc này tốt hơn.

Thực hiện cách ly xã hội đối với những khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý, chặt chẽ, không làm quá rộng mà tê liệt các hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn, trong đó, TP.HCM cơ bản vẫn hoạt động kinh tế-xã hội như bình thường. Truy vết đến đâu thì xử lý cách ly đến đó. Không hoang mang nhưng không được chủ quan. Thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất.

Theo Thủ tướng, phát triển kinh tế để giải quyết việc làm của người dân nhưng nếu sa đà về kinh tế mà không chú ý dịch bệnh thì cái giá phải trả rất lớn như nhiều nước đã từng gặp phải. Phải kiểm điểm trách nhiệm những cá nhân, các tổ chức liên quan đến việc lây nhiễm cho cộng đồng.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5-3%.

Đẩy mạnh giải ngân tốt nhưng đảm bảo chất lượng công trình không được hình thức, lãng phí. Bên cạnh đầu tư công, phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI. Muốn làm được điều đó thì phải cải cách môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi cung ứng.

Các cấp, các ngành cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ như fintech, mobile money, xác thực điện tử, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ liên quan phối hợp triển khai gói hỗ trợ ngành hàng không, du lịch, những ngành chịu tác động nặng nề nhất.

Đề cập đến một số sáng kiến tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại Quốc hội, Thủ tướng đã đưa ra đề xuất về trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề án, chính sách cụ thể để triển khai, "giống thế nào, trồng cây rễ sâu thay cho cây rễ cạn như thế nào, trồng cây gỗ lớn ra sao?". Hay như sáng kiến mới để kích cầu tiêu dùng, đó là chương trình đưa hàng nông thôn lên thành thị. Phải đưa sản phẩm của bà con nông dân, nông thôn ra thành thị, có như vậy mới giúp chuyển thu nhập từ thành thị về nông thôn, mới giúp thúc đẩy sản lượng, công ăn việc làm và tăng trưởng ở vùng nông thôn.

Về y tế, Thủ tướng đề nghị ngành y tế cân nhắc sớm có đề án cải cách chính sách bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 16 tuổi theo tinh thần Luật Trẻ em, trước mắt là đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh