THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:13

Thủ tướng nêu 3 vấn đề cốt lõi quyết định sức sống, uy tín của ASEAN

Tổng thống Indonesi Joko Widodo đón chào Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 42.

Tổng thống Indonesi Joko Widodo đón chào Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 42.

Sáng 10/5, Hội nghị cấp cao ASEAN 42 chính thức khai mạc tại Labuan Bajo, Indonesia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.

Bảo đảm thụ hưởng đồng đều cho người dân

Khai mạc Hội nghị, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đánh giá, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phục hồi toàn diện, cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng, cùng nhiều biến động phức tạp, khó lường.

Tổng thống đặt câu hỏi: “Liệu ASEAN có đủ năng lực để ứng phó và thích ứng những thách thức này?”, và bày tỏ tin tưởng, đoàn kết và nỗ lực chung của tất các thành viên gia đình ASEAN là điều kiện tiên quyết để ASEAN phát huy mạnh mẽ vai trò dẫn dắt hòa bình và tăng trưởng khu vực.

Để ASEAN thực sự là tâm điểm, động lực cho tăng trưởng của khu vực và toàn cầu, Tổng thống đề nghị ASEAN ưu tiên hội nhập kinh tế, hợp tác bao trùm, triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bảo đảm an ninh lương thực, tự cường năng lượng và ổn định tài chính.

Báo cáo tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đạt kết quả khả quan trên cả 3 trụ cột, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết, năm 2022 đánh dấu bước ngoặt của kinh tế khu vực khi các nước tái mở cửa, từng bước phục hồi và nâng cao tự cường, với sự đóng góp lớn của sản xuất, vận tải và du lịch. Tăng trưởng khu vực cơ bản giữ vững, dự báo tăng trưởng đạt 4,7%.

Trước tác động biến động trong địa chính trị, cùng nhiều thách thức, rủi ro tiềm ẩn, ASEAN đã chuyển hướng chiến lược, tận dụng các động lực mới, thông qua nhiều sáng kiến như Khung kinh tế tuần hoàn, Chiến lược Trung hòa Các-bon, Hiệp định Khung Kinh tế số ASEAN, Sáng kiến Một Sức khỏe ASEAN…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật ba vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật ba vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN

Tại Hội nghị, lãnh đạo các nước bày tỏ ủng hộ và nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của chủ đề "Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng", thể hiện sức sống và vị thế của ASEAN, động lực cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu. Các Lãnh đạo cam kết sẽ đẩy mạnh hội nhập kinh tế ASEAN, tăng cường thương mại và đầu tư nội khối, củng cố kết nối chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực bảo đảm ổn định tài chính, an ninh lương thực, an ninh năng lượng…

Các Lãnh đạo đặc biệt nhấn mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN phải thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành chủ động và nhạy bén trước các cơ hội và thách thức, triển khai quyết liệt và đồng bộ các sáng kiến, nhất là những sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực và bảo đảm thụ hưởng đồng đều cho người dân.

Thủ tướng: Đoàn kết là sức mạnh vô địch

Mở đầu bài phát biểu quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Tổng thống Joko Widodo và đất nước Indonesia đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN 2023. Thủ tướng bày tỏ vui mừng ASEAN vẫn là điểm sáng kinh tế; song cũng nhận định thách thức với ASEAN ngày càng phức tạp, cả từ bên trong và bên ngoài.

Theo đó, Thủ tướng đã nêu bật ba vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN, đó là giữ vững độc lập, tự chủ chiến lược, vươn mình bứt phá thành tâm điểm của tăng trưởng, và thích ứng ngày càng tốt hơn trước những biến động bên ngoài.

Thủ tướng nhấn mạnh, “đoàn kết là sức mạnh vô địch, và phải thể hiện qua ý chí và hành động cụ thể. Củng cố đoàn kết và thống nhất là nhiệm vụ căn cốt cho một ASEAN độc lập và tự cường. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, để thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, mở rộng thị trường nội khối là yêu cầu cấp thiết”.

Quang cảnh Hội nghị cấp cao ASEAN 42.

Quang cảnh Hội nghị cấp cao ASEAN 42.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị nỗ lực đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, triển khai đồng bộ và quyết liệt các dự án kết nối khu vực cả về thể chế, hạ tầng và con người, tạo bước chuyển về chất cho môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch.

Thủ tướng đề nghị hợp tác kinh tế số, chính phủ số, kinh tế tuần hoàn, cần được quan tâm, đẩy mạnh cùng với kết nối mạng lưới điện, phát triển năng lượng tái tạo, và sớm xây dựng các chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua triển khai Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động trong một số ngành nghề và xem xét mở rộng áp dụng Thỏa thuận trong những ngành nghề mới.

Khẳng định tinh thần cốt lõi của ASEAN là lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu và động lực của xây dựng Cộng đồng, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh thu hẹp khoảng cách phát triển, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, các tiểu vùng. Hợp tác tiểu vùng cần gắn kết với các chương trình hợp tác ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, mở ra không gian rộng lớn hơn và bảo đảm cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Chia sẻ, khó khăn, thách thức luôn hiện hữu, nhưng khó khăn không làm ASEAN nhụt chí, ASEAN phải mạnh mẽ hơn, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng, các thành viên ASEAN cần chung tay khơi dậy ý chí tự cường, đoàn kết, khơi thông các nguồn lực phát triển và khởi tạo các ý tưởng đột phá cho xây dựng Cộng đồng, giúp ASEAN bứt phá trở thành tâm điểm tăng trưởng của khu vực và toàn cầu.

Lãnh đạo các nước ASEAN thông qua 10 văn kiện định hướng hợp tác ASEAN trong nhiều lĩnh vực

Lãnh đạo các nước ASEAN thông qua 10 văn kiện định hướng hợp tác ASEAN trong nhiều lĩnh vực

 

ASEAN ngày càng tự cường và thích ứng

Đặc biệt nhấn mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN phải thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, trên tinh thần đó, lãnh đạo các nước đã thông qua những thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, phác thảo tương lai của Cộng đồng trong 20 năm tới với mục tiêu, khát vọng phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm ASEAN. Các lãnh đạo tin tưởng giá trị về đoàn kết, hợp tác sẽ tiếp nối và phát huy, ASEAN ngày càng tự cường và thích ứng trong một thế giới đang đổi thay.

Tiếp đó, lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua 10 văn kiện định hướng hợp tác ASEAN trong nhiều lĩnh vực, trong đó đáng chú ý có Tuyên bố chung hướng đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, phát triển hệ sinh thái xe điện ở khu vực, sáng kiến một sức khỏe ASEAN, thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và tăng cường giao dịch bằng đồng bản tệ.

Lãnh đạo các nước ASEAN cũng ra tuyên bố lên án vụ tấn công vào đoàn cứu trợ nhân đạo, gồm nhân viên của Trung tâm Điều phối và hỗ trợ thảm họa khẩn cấp ASEAN (AHA) và Nhóm giám sát hỗ trợ nhân đạo của ASEAN.

Sau hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN đã đối thoại với đại diện của Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN, thanh niên, doanh nghiệp và Nhóm đặc trách cao cấp về tầm nhìn ASEAN sau 2025.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh