THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:49

Thủ tướng: Kinh tế nước ta đã chuyển từ bị động sang chủ động hơn rất nhiều

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi về ý kiến của các đại biểu.

 

Đất nước đang chuyển mình, niềm tin của người dân nhân lên rất nhiều

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đất nước đang chuyển mình, niềm tin của người dân, của toàn hệ thống chính trị trong Đảng được nhân lên rất nhiều, đó là nguồn lực mạnh mẽ để chúng ta xây dựng đất nước.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng đánh giá toàn diện, phản ánh rõ tình hình của đất nước đã được Tổng Bí thư nêu trong phát biểu ở hội nghị Chính phủ cuối năm 2017 và kết luận tại Hội nghị Trung ương 7 vừa qua và đặc biệt tại phiên họp Quốc hội lần thứ 4 vào tháng 10/2017 cũng đã kết luận: Kinh tế xã hội phát triển, đối ngoại, quốc phòng an ninh được giữ gìn, uy tín quốc tế của chúng ta được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng tiêu cực đã được triển khai mạnh mẽ, mang lại niềm tin cho nhân dân, nhất là về kinh tế - xã hội.

Có thể nói, hệ thống của chúng ta, trên dưới một lòng, đoàn kết thống nhất từ trung ương đến địa phương. Sức mạnh dân tộc được thể hiện rõ nét thông qua những sự kiện lớn của đất nước… Chúng ta đã chuyển từ bị động sang chủ động tốt hơn rất nhiều”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng lấy ví dụ về nợ công, theo báo cáo đánh giá trình lên Quốc hội, nợ công đến cuối nhiệm kỳ 13 ở mức độ 64,8 - 65% GDP. Và bây giờ do quy mô nền kinh tế tăng lên nên nợ còn còn trên 61%, bảo đảm nền kinh tế an toàn do chúng ta đạt GDP trên 5 triệu tỷ đồng. Dự kiến quy mô GDP sẽ đạt trên 7 triệu tỷ đồng, với tăng trưởng 6,7% và hơn thế nữa thì tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều. Quy mô nền kinh tế của chúng ta từ chỗ đứng thứ 48 của thế giới thì bây giờ chúng ta đã đứng ở vị trí 40.

Đề cập đến vấn đề dự trữ Quốc gia, nêu vấn đề năng lượng, Thủ tướng nhấn mạnh, đến giờ mùa hè chúng ta không còn lo lắng đến vấn đề thiếu điện, dầu khí của chúng ta cũng tăng mức tốt. Hay như vấn đề ngoại hối, cuối nhiệm kỳ, chúng ta chỉ có khoảng 28 tỷ USD dự trữ, đây cũng là mức cao, nhưng 2,5 năm qua, chúng ta đã tăng lên gần 64 tỷ USD, với tỷ giá ổn định hơn và lạm phát được giữ vững.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi các tỉnh đều có chuyển biến, sự thay đổi của đất nước rất lớn. Thủ tướng cũng cung cấp tin vui khi chỉ số cạnh tranh quốc gia, môi trường đầu tư kinh doanh cũng tăng, tăng 14 bậc trong thời gia qua, từ trung bình lên tích cực. Ví dụ, Việt Nam là nước ở xa nhóm các nước G20, nhưng vừa qua Việt Nam đã được mời dự cuộc họp của nhóm G7 là một thắng lợi.

Làm hết trách nhiệm của mình để giải quyết khiếu nại, phản ánh của người dân

 Tại tổ ĐBQH TP Hà Nội, vấn đề chống tham nhũng, lãng phí được các ĐBQH Hà Nội rất quan tâm. Các ĐBQH đều đánh giá cao những kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian tới, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được thực hiện quyết liệt hơn nữa.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (ĐBQH tỉnh Bạc Liêu)


Nói về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho biết: Trong báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra điều mà xã hội hết sức quan tâm là mục tiêu về đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Có thể nói, trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, chúng ta đã xử lý rất nhiều vụ án tham nhũng và những vụ án tham nhũng này mang tính chất chính trị cao. Đặc biệt, các vụ án đã động chạm đến tất cả các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực đứng ra bảo vệ pháp luật như lĩnh vực công an. Nhiều vụ án không chỉ xử lý những cán bộ đã nghỉ hưu mà cả những cán bộ đang đương chức.

Một vấn đề khác liên quan đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, được ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai nêu: Chính phủ cần hết sức lưu ý 4 lĩnh vực xảy ra lãng phí nghiêm trọng gồm: Quản lý đất đai, sử dụng tài sản Nhà nước, lĩnh vực đầu tư công; và tổ chức lễ hội, khởi công, động thổ. Trong đó, những điều chúng ta tưởng như không lãng phí nhưng lại rất lãng phí, đó là vấn đề liên quan đến tổ chức lễ hội, khởi công, động thổ.

Liên quan đến các vấn đề về giải quyết hiệu quả khiếu nại, nhất là khiếu nại về đất đai, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Lê Chiêm (đại biểu quốc hội tỉnh Kon Tum) đề cập đến tình hình khiếu kiện, làm ảnh hưởng lớn đến an ninh, chính trị, an toàn xã hội. “Khiếu kiện trong thời gian qua chủ yếu là đất đai. Các dự án chuyển nhượng ta làm không chặt chẽ. Theo tôi, các địa phương cần phải làm khách quan, chỗ nào thấy không đúng cần phải nhận khuyết điểm trước nhân dân và sửa sai nghiêm túc”, Thượng tướng nêu.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, có những vụ khiếu kiện kéo dài năm này qua năm khác, không chỉ ở địa phương mà còn kéo ra Hà Nội “ngồi suốt năm này, tháng khác”. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo mang lại hiệu quả rất tốt. Trên cơ sở này, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo giải quyết.

“Vai trò chính quyền cơ sở quan trọng, anh có vào cuộc hay không, chứ đổ cho cái này, cái kia là không được”, Tướng Lê Chiêm nhấn mạnh và cho rằng, kể cả nếu liên quan một doanh nghiệp tư nhân cũng phải chỉ đạo cương quyết chứ không thể để lộng quyền khiến tình hình trở nên phức tạp.

Đồng tình, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) thông tin, gần đây, khi thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư có nhiều vướng mắc. Cho nên, cần hướng dẫn trình tự, thủ tục như thế nào để quản lý, sử dụng đất đúng luật, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

Tổng Thanh tra cho rằng, “chúng ta làm hết trách nhiệm của mình để giải quyết khiếu nại, phản ánh của người dân, nhưng những vụ việc lợi dụng để chống phá, đưa ra những yêu sách không đúng pháp luật dù đã được giải quyết đúng luật rồi, đối thoại giải thích rồi thì cũng phải có thái độ chấm dứt”.

 

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh