THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:01

Thủ tướng khẳng định 3 cam kết lớn với nhà đầu tư nước ngoài

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài (Ảnh: VGP)

Doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao triển vọng tăng trưởng, vị thế của Việt Nam

Ông David Whitehead - Phó Chủ tịch Auscham và thành viên Ban lãnh đạo VBF nhấn mạnh, bối cảnh toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 đã đặt ra một số thách thức, khó khăn nhất định, Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để đề xuất những chính sách linh hoạt và triển khai các giải pháp thích ứng. Cũng nhờ những hành động kịp thời của Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Lũy kế sau nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 3,72%, mặc dù không thực sự ấn tượng nhưng là minh chứng cho phát triển ổn định của Việt Nam.

Với vai trò kiến tạo, Chính phủ đã đồng hành cùng doanh nghiệp FDI cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, thích ứng và phát triển; tháo gỡ khó khăn; chia sẻ gánh nặng chi phí với doanh nghiệp, v.v…

“Cộng đồng FDI tin tưởng Chính phủ, Thủ tướng sẽ tiếp tục triển khai giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế,v.v, góp phần tạo môi trường ổn định cho hoạt động kinh doanh và đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.” -Ông David Whitehead nhấn mạnh và cam kết luôn sẵn sàng phối hợp với Chính phủ Việt Nam để hướng tới những bước phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: VGP)

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: VGP)

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) bày tỏ rất vui mừng khi Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Biden vào tháng trước. Quyết định này mở ra nhiều cơ hội để mở rộng quan hệ thương mại song phương và củng cố cam kết của Hoa Kỳ đối với một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường.

Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ và đây là thời điểm quan trọng, cũng là cơ hội tuyệt vời để cải thiện khung chính sách và môi trường đầu tư nhằm thu hút dòng đầu tư mới, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam- ông John Rockhold nói.

Ông Gaur Dattatreya, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Bosch Global Software Technologies nêu lên tầm quan trọng của công cuộc phát triển nguồn nhân lực và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho Việt Nam qua việc hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia – một dự án đóng vai trò bước ngoặt trong việc thúc đẩy chuyển giao và lan tỏa công nghệ giữa các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty công nghệ của Việt Nam. Ông cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua, đặc biệt là trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Việt Nam phấn đấu là một trong những quốc gia tiên phong có hệ thống an sinh bao trùm, bền vững.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, khu vực đầu tư nước ngoài (ĐTNN) được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển bình đẳng; được đối xử công bằng, nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.

Với những kết quả tích cực, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế và nâng hạng tín nhiệm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, tất cả các yếu tố trên đã cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế của Việt Nam; niềm tin của các nhà ĐTNN vào chính sách điều hành của Chính phủ, Thủ tướng; nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài nhìn nhận Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam phấn đấu sẽ là một trong những quốc gia tiên phong của Liên Hợp Quốc về việc làm thoả đáng, công bằng cùng hệ thống an sinh bao trùm, bền vững (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam phấn đấu sẽ là một trong những quốc gia tiên phong của Liên Hợp Quốc về việc làm thoả đáng, công bằng cùng hệ thống an sinh bao trùm, bền vững (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam hiện không còn ở đỉnh cao dân số vàng nhưng vẫn trong giai đoạn dân số vàng. Thời gian tới,Việt Nam tập trung một số việc rất căn bản, trong đó phấn đấu sẽ là một trong những quốc gia tiên phong của Liên Hợp Quốc về việc làm thoả đáng, công bằng cùng hệ thống an sinh bao trùm, bền vững.

“Chúng tôi chọn một số khâu đột phá: Tập trung xây dựng thị trường lao động bền vững, hội nhập, linh hoạt, đa dạng, lấy sinh kế của người dân làm trọng tâm; Tập trung nhu cầu thiết yếu cho người lao động, đặc biệt là khu công nghiệp cho công nhân. Trong đó, có hai vấn đề chung: phấn đấu từ năm đến 2030 xoá toàn bộ nhà tạm cho người lao động và xây dựng 1 triệu căn hộ với giá hợp lý cho công nhân, lao động. Đồng thời, xây dựng kí túc xá, khu công nhân theo đa dạng hình thức như thuê, mua,…”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết, thời gian qua, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, Chính phủ đã dành thời gian và quyết tâm sửa Nghị định 152 về quản lý, sử dụng và phát huy nhân lực nước ngoài tại Việt Nam với 7 nội dung mới.

Thứ nhất, giảm triệt để điều kiện, tiêu chí cho chuyên gia, người quản lý, lao động kỹ thuật vào Việt Nam ở mức độ thấp nhất có thể, trừ những điều kiện, nội dung mà Việt Nam đã cam kết với ASEAN không thể thay đổi được.

Thứ hai, quy định nhóm Giám đốc điều hành, trưởng các phòng, ban,… được cấp giấy phép lao động.

Thứ ba, trường hợp đã được cấp giấy phép trước đây ví dụ như từ chuyên gia chuyển sang lao động kỹ thuật thì không phải cấp lại nữa.

Thứ tư, giảm thời gian nộp giải trình nhu cầu. Trước đây quy định bắt buộc là sau 30 ngày mới xử lý thì hiện chỉ tối đa là 15 ngày.

Thứ năm, chỉ cần đăng công khai nhu cầu tuyển dụng trên trang của Bộ hoặc của địa phương.

Thứ sáu, cấp phép cho chuyên gia vào làm việc ở nhiều địa phương chỉ cần 1 giấy phép của Bộ, còn ở nhiều địa điểm trong 1 tỉnh thì giao cho tỉnh và chỉ cấp phép 1 lần.

Thứ bảy, bãi bỏ thẩm quyền cấp phép lao động của Ban Quản lý khu công nghiệp.

“Ngoài ra, hiện nay thủ tục hoàn toàn thực hiện online. Vừa qua, chúng tôi cũng chấn chỉnh một số địa phương trong việc cấp theo theo Nghị định 152, tinh thần chung là cởi mở nhất, thông thoáng nhất và nhanh gọn nhất. Nếu có vấn đề gì trong quá trình tổ chức, thực hiện thì Bộ sẽ lắng nghe và tích cực điều chỉnh cùng với các địa phương.”- Ông Đào Ngọc Dung nói.

Đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tham dự Hội nghị (Ảnh: VGP)

Đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tham dự Hội nghị (Ảnh: VGP)

Tạo hệ sinh thái kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm của đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Ông yêu cầu, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu; hoàn thiện, trình ban hành kết luận của Thủ tướng sau hội nghị để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Thủ tướng nêu rõ Việt Nam có 3 cam kết với nhà đầu tư.

Đầu tiên, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.

Thứ hai, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.

Về các câu hỏi của các nhà đầu tư rằng Việt Nam sẽ tiếp tục làm gì để thực hiện các cam kết và đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo các bộ ngành đã trả lời, Thủ tướng khái quát lại và nhấn mạnh, bổ sung thêm một số nội dung.

Trong đó, theo Thủ tướng, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là: Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Việt Nam đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Việc này nhằm giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ, nâng cao năng lực cạnh tranh về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

 “Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định.

Ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…; tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài phải được lắng nghe với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành để có biện pháp xử lý hiệu quả.

Với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường và phù hợp các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng của Việt Nam.

Theo Thủ tướng, các quy hoạch này được xây dựng và ban hành với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.Các quy hoạch này tạo tiền đề, tạo không gian phát triển cho các nhà đầu tư.

Một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ mong muốn và tin tưởng rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục dành tình cảm, đặt niềm tin, hợp tác chặt chẽ, “luôn yêu quý Việt Nam như quê hương của mình”.

Châu Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh