Thủ tướng: Hành động quân sự hóa trên Biển Đông thách thức cả thế giới
- Tây Y
- 05:12 - 28/05/2016
Trong bài phát biểu tại Phiên họp thứ nhất diễn ra ngày 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập chiến lược phát triển bền vững, vấn đề giữ gìn hòa bình, an ninh trên Biển Đông. khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới.
Thủ tướng đánh giá cao những chủ đề ưu tiên đặt ra trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng định G7 lần này như về phát triển bền vững, hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng cũng như cả thế giới nói chung.
Thủ tướng khẳng định, phát triển bền vững trên cơ sở hội nhập khu vực và quốc tế hiệu quả là định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam. Theo đó, thời gian tới, Việt Nam chọn đột phá về cơ sở hạ tầng là một trong ba trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam cũng đánh giá cao sáng kiến của Nhật Bản về Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở Châu Á và sáng kiến Kết nối Mê Công-Nhật Bản; hoan nghênh sự hỗ trợ của các nước G7 khác, trong đó có Mỹ và Nhóm Những người bạn của hạ nguồn Mê Công (FLM) cho sự phát triển bền vững của lưu vực Mê Công với sáng kiến mới về Chương trình cơ sở hạ tầng bền vững (SIP).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Thủ tướng Đức A.Merkel bên lề phiên họp thứ nhất.
“Việt Nam khẳng định lại cam kết chung tay hành động thực hiện thỏa thuận lịch sử đã đạt được tại COP-21 Paris vừa qua, khi biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng” – Thủ tướng nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn các nước G7 và các tổ chức đa phương tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam và các nước Mê Kông tăng cường hợp tác quản lý và bảo vệ nguồn nước, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và chống hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long - hạ lưu sông Mê Kông.
Thủ tướng phân tích, Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng hòa bình và phát triển của mình gắn chặt với hòa bình và thịnh vượng chung của thế giới. Đóng góp giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi quốc gia dù ở trình độ phát triển nào.
Thủ tướng hoan nghênh những sáng kiến mới của Nhật Bản trong các lĩnh vực quan trọng như bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển ở Trung Đông, chăm sóc y tế, bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ, cũng như những nỗ lực của Nhật Bản hỗ trợ Châu Phi trong đó có khuôn khổ TICAD.
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng chụp ảnh lưu nghiệm tại Ise Shima.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sự phồn vinh và phát triển bền vững ở Việt Nam, châu Á và trên thế giới chỉ có thể được bảo đảm nếu có một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định. Thế giới đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh của khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
“Các hành động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực, như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. Tình hình đó đòi hỏi các quốc gia liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC)” – Thủ tướng kêu gọi.
Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam hoan nghênh các nước G7 đã có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ các nỗ lực bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thỏa thuận khu vực và mong muốn các nước G7 và cộng đồng quốc tế tiếp tục đóng góp có trách nhiệm vào củng cố môi trường hòa bình và ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Phiên họp thứ nhất Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra sáng 27/5. Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức tại Ise-Shima, tỉnh Mie, Nhật Bản, với sự tham gia của lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển (Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Canada và Italy), Liên minh châu Âu và các khách mời, gồm: Lãnh đạo Việt Nam, Indonesia, Lào, Bangladesh, Sri Lanka, Papua New Guinea và một số tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, WB, IMF, OECD, ADB. Hội nghị này bao gồm hai phiên, tập trung thảo luận về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, an ninh khu vực, thúc đẩy quyền phụ nữ, y tế, tăng cường hợp tác triển khai Chương trình nghị sự phát triển 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và hợp tác với châu Phi. |
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
1 tháng trước
Tin nên đọc