THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:08

Thủ tướng: Giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ - ASEAN "không muốn phải chọn bên nào"

Tối ngày 26/6, sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp báo quốc tế, cung cấp thông tin về kết quả Hội nghị và trả lời các câu hỏi của báo chí.

Thống nhất cao những vấn đề quan trọng trong nội khối

Phát biểu tại Họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các cơ quan ngoại giao, các nhà báo quốc tế và trong nước đã có mặt đông đủ nghe thông báo về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 36.

Thủ tướng: ASEAN tự tin chèo lái khu vực vượt qua khó khăn lớn chưa từng có - Ảnh 1.

Quang cảnh họp báo quốc tế, tối 26/6, sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 36.

Trân trọng tinh thần xây dựng, gắn kết của các nước thành viên ASEAN, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ, Hội nghị Cấp cao thường kỳ của ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tất cả các thành viên đại diện cho lãnh đạo các nước ASEAN đều có mặt đông đủ; có sự thống nhất, đồng thuận rất cao về những vấn đề quan trọng trong nội khối ASEAN.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Đánh giá cao kết quả chống dịch Covid-19 trong các nước ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ASEAN có tỷ lệ tử vong thấp, phần lớn hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát.

"Điển hình, Việt Nam trong 75 ngày liên tiếp, Thái Lan trong hơn 1 tháng liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Một số nước bị ảnh hưởng nặng như: Singgapore, Malaysia… hiện đang kiểm soát tốt tình hình; số người lây nhiễm giảm; đang thiết lập trạng thái "bình thường mới", Thủ tướng cho biết

Khẳng định, cuộc chiến chống dịch Covid-19 là nỗ lực lớn của các nước ASEAN, Thủ tướng nhấn mạnh, đặc biệt, trên tinh thần thân thiện và hợp tác, các nước thành viên ASEAN đã bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng với 5 trọng tâm: 

Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19 và chủ động đẩy mạnh phục hồi kinh tế - xã hội, hợp tác nội khối; Tiếp tục xây dựng Cộng đồng vững mạnh theo các mục tiêu đã đặt ra cho 2020, đến nay có 96% số dòng hành động xây dựng Cộng đồng đang được tích cực hợp tác triển khai và định hướng Tầm nhìn ASEAN sau 2025;

Mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ đối ngoại của ASEAN với các đối tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN;

Gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác phát triển bền vững, thịnh vượng cho mọi người dân; Đề cao tinh thần thiện chí và tuân thủ luật pháp, nhất là luật pháp quốc tế trong giải quyết những khác biệt tại khu vực.

Sớm khôi phục đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông

Thủ tướng cho biết, các nhà lãnh đạo ASEAN đã bàn sâu, thảo luận kỹ về những diễn biến gần đây trong tình hình quốc tế và khu vực, kể cả những vấn đề nổi cộm trong khu vực châu Á và quốc tế.

Thủ tướng: ASEAN tự tin chèo lái khu vực vượt qua khó khăn lớn chưa từng có - Ảnh 2.

Tại điểm cầu Việt Nam, tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, về phía quốc tế có Trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

"Lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí tiếp tục thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn; tuân thủ luật pháp quốc tế thông qua đối thoại, hợp tác, tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)", ông nói.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các nước thành viên ASEAN kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện đầy đủ quy định quốc tế, đặc biệt Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm khôi phục đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Các nước thành viên ASEAN mong muốn vấn đề bang Rakhine được giải quyết trên tinh thần nhân đạo; vấn đề bán đảo Triều Tiên, Palestine-Israel... được giải quyết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, một tinh thần đoàn kết, thống nhất trong việc đánh giá, đưa ra những biện pháp hòa bình, hữu nghị, thảo luận và tuân thủ luật pháp đã được đặt ra trong Hội nghị.

Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn bạn bè trong khu vực, quốc tế đã ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam thắng lợi bước đầu trong phòng, chống dịch Covid-19; trở lại bình thường hóa kinh tế, xã hội. Việt Nam cam kết thực hiện tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh có nhiều khó khăn chưa từng có hiện nay.

Giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ: ASEAN "không muốn phải chọn bên nào"

Sau khi cung cấp thông tin về kết quả Hội nghị, Thủ tướng đã trực tiếp trả lời của các câu hỏi của phóng viên.

Trước câu hỏi của phóng viên kênh CNA (Singapore) về "những căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ảnh hưởng thế nào đến ASEAN? Và ASEAN sẽ làm gì để có thể vượt qua tình hình này và vượt qua đại dịch Covid-19?", Thủ tướng cho biết, Trung Quốc, Hoa Kỳ là những đối tác quan trọng hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có ASEAN và Việt Nam. Cho nên quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ảnh hưởng đến toàn cầu và cả ASEAN.

Tuy nhiên, giữa ASEAN với Trung Quốc và Mỹ đang có nhiều khuôn khổ hợp tác kinh tế cả song phương và đa phương. Đây là nền tảng quan trọng để duy trì, củng cố và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ASEAN và hai nền kinh tế lớn.

Ông nhấn mạnh, ASEAN luôn mong muốn một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hợp tác cùng phát triển và "chắc chắn không muốn phải chọn bên nào", Thủ tướng nói.

"Chúng tôi hợp tác phát triển cùng có lợi vì hòa bình ở khu vực và sự phát triển tương lai của các đối tác, trong đó có Trung Quốc, Hoa Kỳ", ông nói thêm và nhấn mạnh: "vốn là những đối tác của chúng tôi rất quan tâm".

Việc đẩy lùi Covid-19 và phục hồi kinh tế là 2 nhiệm vụ quan trọng vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và của chính Trung Quốc và Hoa Kỳ.  "Việt Nam rất mong muốn Trung Quốc và Mỹ cùng phát huy điểm tương đồng, vượt qua khác biệt để xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung của thế giới và khu vực", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Dịch bệnh làm gián đoạn các cuộc thảo luận về COC 

Trước câu hỏi của phóng viên AP (Hoa Kỳ) về "dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến chương trình nghị sự của Việt Nam về đàm phán các vấn đề liên quan đến Biển Đông và Việt Nam đã và sẽ làm gì để đạt được mong muốn trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020", Thủ tướng nêu rõ, hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực nói chung và ở Biển Đông nói riêng là lợi ích chung của cộng đồng.

Vì vậy, trong thời gian qua, ASEAN đã có rất nhiều nỗ lực, từ duy trì đối thoại, thúc đẩy hợp tác đến xây dựng cơ chế, quy chế, quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

"Hội nghị lần này của chúng tôi đã tái khẳng định quyết tâm của ASEAN đóng góp xây dựng Biển Đông thành khu vực biển hợp tác, phát triển, an ninh và an toàn, xứng đáng với vị trí là một bộ phận quan trọng trong trao đổi ở khu vực".

Dịch bệnh đã làm gián đoạn các cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam cùng ASEAN hợp tác với các bên liên quan kiềm chế các hành động làm phức tạp tình hình trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế; xây dựng một Biển Đông hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tự do hàng không, hàng hải, thực hiện tốt Công ước về Luật Biển 1982. 

Trong đó cùng nhau thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC và đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn các phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài truyền đi một thông điệp: Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 thành công, đạt được thống nhất cao, đưa ra được Tuyên bố chung của Hội nghị về một khu vực ASEAN an toàn, đoàn kết, gắn kết và chủ động thích ứng; đặc biệt là phòng ngừa dịch bệnh tốt, không để làn sóng dịch Covid-19 thứ hai trở lại khu vực này.

Các thành viên ASEAN cùng đoàn kết để phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi kinh tế sau đại dịch… "Đó là những điều các nước ASEAN mong muốn trong hợp tác với các đối tác lớn để cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19", ông nói.



Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh