Thủ tướng gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân: Quyết tâm nhổ hết “đinh dưới thảm đỏ”
- Tây Y
- 17:39 - 29/04/2016
Nghịch lý ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp thiếu vốn
Trong khi các DNNN và DN có cổ đông tại các NHTM được vay dễ dàng thì nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn “kêu trời” vì khó tiếp cận tín dụng ngân hàng do thiếu năng lực về tín nhiệm trả nợ. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV - ví ngân hàng và DN như “hai người chạy hai bờ sông, chạy mãi mà chẳng gặp nhau”. Theo Hội DN quận Hải An (Hải Phòng), nếu như 76% số DN lớn vay được vốn từ ngân hàng thì tỉ lệ này dành cho DN vừa là 72%, DN nhỏ là 60% và DN siêu nhỏ chỉ là 38%. Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực từ việc bắt buộc phải có tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn phức tạp. Không ít DNNVV buộc tự cứu mình bằng cách tìm nguồn tín dụng đen.
“Lãi suất vay đã được cải thiện. Tuy nhiên vẫn còn ở mức cao. Các DNNVV khó có thể hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Điều kiện vay vốn tín dụng của các DNNVV còn khó khăn vì DN không có tài sản thế chấp” - đại diện của Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Đừng để trên trải thảm đỏ, dưới lại có đinh”. |
“Phần thắng bao giờ cũng thuộc về cán bộ thuế”
“Việc xác định chi phí để tính thuế thu nhập DN qua cán bộ thuế và DN còn có tranh cãi và phần “thắng” bao giờ cũng thuộc về cán bộ thuế. Không ít DNNN nợ hàng tỉ đồng tiền hoàn thuế hoặc nợ vốn xây dựng cơ bản kéo dài tới 2-3 năm không được thanh toán. Trong khi DN tư nhân nợ thuế vài ba trăm triệu chưa thanh toán đã bị phạt. Đây là sự thiếu công bằng giữa Nhà nước và DN với khu vực DN dân doanh” - đại diện của Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết. Ngoài ra các DN cho rằng việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN còn khó khăn và phức tạp.
Hiệp hội BĐS cho rằng, để tạo điều kiện cho DN phát triển và đảm bảo sự công bằng khi thực thi nghĩa vụ thuế, đề xuất xem xét đề nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Luật Thuế TNDN, cho phép “lỗ của hoạt động kinh doanh được bù trừ với lợi nhuận từ chuyển nhượng BĐS”.
Liên quan đến lĩnh vực hải quan, đại diện của Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho rằng “Các thủ tục hành chính cần nhanh gọn hơn, tạo điều kiện cho các DN phát triển. Một mặt hàng vừa phải chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng mỗi khi nhập khẩu. Cùng một mặt hàng nhưng lần nhập khẩu nào cũng phải xin giấy phép, kiểm tra chất lượng”.
Mặc dù thủ tục hải quan đã giảm bớt giấy tờ, tuy nhiên chưa đồng bộ với các cơ quan liên quan như ngân hàng và các cơ quan thuế nên có những giấy tờ mà cơ quan Hải quan không cấp nhưng ngân hàng hoặc cơ quan thuế vẫn yêu cầu. Do đó, đại diện Hiệp hội DNNVV Hà Nội kiến nghị, cơ quan Hải quan cần chia sẻ thông tin, dữ liệu qua hệ thống mạng với các cơ quan quản lý, cơ quan kiểm tra chuyên ngành đề giảm bớt hồ sơ, thủ tục, thời gian và chi phí cho DN. Bên cạnh đó, đề nghị bãi bỏ việc kiểm tra chất lượng nhà nước đối với hàng hóa đã có kiểm tra đăng kiểm quốc tế.
“Chi phí bôi trơn” tăng mỗi năm
Trong năm qua, chi phí không chính thức chưa có dấu hiệu giảm bớt mà thậm chí tỉ lệ DN cho biết chi trả chi phí này tăng qua các năm. Cụ thể, theo báo cáo PCI năm 2015, chi phí bôi trơn tăng từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015). Hơn 11% số DN tham gia điều tra năm nay cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, tăng nhẹ so với 2014 (10%). Vẫn có 65% số DN cho biết ‘‘tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là
phổ biến’’.
Trong con mắt của các DN dân doanh, môi trường kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố chưa có sự cạnh tranh bình đẳng. Trong PCI, chỉ số thành phần cạnh tranh bình đẳng phản ánh nỗ lực của chính quyền các địa phương trong việc tạo ra một “sân chơi” công bằng và bình đẳng cho DN thuộc mọi lĩnh vực, đặc biệt là các DNNVV. Tuy nhiên, năm vừa qua, những nỗ lực này chưa đem lại những kết quả rõ nét.
DN càng lớn càng bị thanh tra nhiều
Theo kết quả điều tra PCI 2015, có tới 74% số DN từng đón tiếp các đoàn thanh-kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực trong năm vừa qua. Có một hiện tượng đáng lo ngại: Các DN có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh tra, kiểm tra càng cao. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính tăng, rủi ro tăng lên khi quy mô tăng có thể là một nguyên nhân khiến các DNNVV Việt Nam “ngại lớn”.
Cụ thể, thông thường các DNNVV phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh-kiểm tra trong năm. Với các DN quy mô lớn, con số này là khoảng 3 cuộc. Tính toán chung, có 18% số DN siêu nhỏ, 24% số DN nhỏ và 43% số DN quy mô vừa đón tiếp ít nhất 3 đoàn thanh-kiểm tra DN trong năm gần nhất, trong khi con số này là 50% đối với DN quy mô lớn.
Đáng lưu ý, thanh tra, kiểm tra chưa có sự phối hợp tốt giữa các cấp, ngành. Điều này thể hiện qua tỉ lệ DN phản ánh về tình trạng trùng lặp về nội dung thanh tra, kiểm tra giữa các đoàn đến DN. Kết quả khảo sát cho thấy 25% số DN siêu nhỏ, DN nhỏ và 30% số DN vừa cho biết nội dung thanh-kiểm tra của các đoàn bị trùng lặp. Với các DN quy mô lớn, con số này lên tới 32%.
Ngoài ra, chi phí thời gian trong các cuộc thanh-kiểm tra thuế cũng gia tăng theo quy mô của DN. Với các DN siêu nhỏ, trung bình mỗi lần thanh-kiểm tra thuế mất khoảng 3 giờ; đối với các DN nhỏ và DN quy mô vừa, con số này lần lượt là 7 và 8 giờ. Tuy nhiên, với các DN quy mô lớn, thông thường mỗi cuộc thanh kiểm tra thuế thường làm mất khoảng 40 giờ của DN.