THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:08

Thủ tướng đề nghị "tất cả đều phải vào cuộc", càng khó khăn thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần 5

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần 5

Chiều 17/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần 5 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”.

Hết năm 2022, quy mô nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, thời gian tới, đề nghị các cơ quan chức năng, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp, "tất cả đều phải vào cuộc", càng khó khăn, thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức với tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. 

Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, phát huy tối đa yếu tố quyết định là yếu tố con người; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Việt Nam đang triển khai 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Thực hiện nhất quán, vận dụng phù hợp đường lối đúng đắn nói trên, sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Ước tính hết năm 2022, quy mô nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4.000 USD năm 2021; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông đã lắng nghe và thu hoạch được rất nhiều nội dung rất đúng, rất trúng tại Diễn đàn

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông đã lắng nghe và thu hoạch được rất nhiều nội dung rất đúng, rất trúng tại Diễn đàn

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện

Phân tích thêm về những kết quả của năm 2022, Thủ tướng nêu rõ, đây là những điểm sáng đáng tự hào trong hoàn cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi. Bên cạnh những kết quả về kinh tế, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân được cải thiện.

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh thực chất, hiệu quả, góp phần giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi chưa có nguy cơ. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được củng cố và nâng lên.

Điều này có được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát thực tiễn của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự quản lý, điều hành hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích tình hình, nguyên nhân và định hướng lớn trong xử lý những vấn đề tồn tại, bất cập cần tiếp tục giải quyết liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng tín dụng, thị trường lao động, cũng như tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng dầu, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vừa qua.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta tôn trọng quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, trong bối cảnh không bình thường thì Nhà nước phải có sự can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết; các cơ quan chức năng phải phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn; doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại, người dân cũng phải chia sẻ.

Tất cả cùng suy nghĩ, cùng làm; hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, tránh tình trạng "lúc thuận lợi thì không sao, lúc khó khăn lại kêu Nhà nước".

Thủ tướng đề nghị các ngân hàng tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn. Các tổ chức phát hành trái phiếu cần thực hiện theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, chủ động đàm phán với nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp phát hành, theo đúng quy định pháp luật.

Về thị trường bất động sản, phải cơ cấu lại các phân khúc, giá, sản phẩm, hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp... "Nhà nước có chính sách nhưng các doanh nghiệp cũng phải thay đổi, không thể neo giá cao mãi, chỉ làm phân khúc cho người giàu thì người nghèo, thu nhập thấp không thể tiếp cận được", Thủ tướng nhấn mạnh.

Empty

Trong điều hành tuyệt đối không chuyển trạng thái đột ngột, "giật cục"

Thủ tướng nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025 với dự báo khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022 và nhiều hơn thời cơ thuận lợi, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, thích ứng với tình hình.

Theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động, linh hoạt, có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, dứt khoát, lựa chọn ưu tiên phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm trong bối cảnh nguồn lực có hạn, công việc nhiều; trong điều hành tuyệt đối không chuyển trạng thái đột ngột, "giật cục".

Tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn;

Chính sách tài khóa tập trung, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tiết kiệm chi tối đa, nghiên cứu tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, lệ phí; các chính sách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, không triệt tiêu mà bổ sung cho nhau, bảo đảm hiệu quả tổng thể.

Giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ 4 công điện của Thủ tướng Chính phủ về các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, phát triển thị trường lao động, chăm lo đời sống người lao động.

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm làm, nhưng phải đôn đốc các bộ, ngành làm tích cực hơn", Thủ tướng phát biểu.

Khẩn trương tập trung thực hiện, hoàn thành công tác quy hoạch với tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, dài hạn, nhưng thực hiện có thể phân kỳ. Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo kỹ năng nghề...

Empty

Cần khơi thông nguồn vốn cho kinh doanh

Các ý kiến đánh giá, năm 2022 là năm của những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ - cũng là năm của quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. 

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội, để tăng trưởng kinh tế, cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá để khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Đặc biệt lưu ý mối quan hệ mật thiết, tính liên thông giữa tín dụng, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản để điều hành đồng bộ, phù hợp.

Cùng với đó, cần điều hành lãi suất, tỷ giá, dự trữ ngoại hối, cung tiền sát thực với diễn biến tình hình kinh tế xã hội của đất nước. Biên độ, thời gian điều chỉnh phải tính toán, dự báo phù hợp, có tầm nhìn, không gây sốc cho nền kinh tế.

Trao đổi tại toạ đàm, ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, với vấn đề cung vốn cho nền kinh tế, ngoài vốn tín dụng ngân hàng, cần phải trông chờ vào vốn đầu tư công, vốn huy động trên thị trường chứng khoán. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp đồng bộ chính sách tài khoá và chính sách vĩ mô khác, liên thông thị trường tiền tệ, tài chính.

“Sự sụt giảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán gây áp lực cho ngân hàng. Thanh khoản của ngân hàng khó khăn, ảnh hưởng đến sự vận hành của thị trường vốn. Trong bối cảnh đó, 3 nguồn, tín dụng ngân hàng, đầu tư công cần phối hợp nhuận nhuyễn”, ông Hà nói.

Liên quan đến chính sách tài khóa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đang chủ động xây dựng các gói hỗ trợ khác nhau. Trong đó, bộ tiếp tục đề xuất hoãn thuế phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn về dòng tiền và thanh khoản.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang xem xét miễn, giảm tiền thuê đất, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, Bộ cân đối thu chi, đảm bảo các nguồn lực tài chính cho chương trình phục hồi kinh tế, đặc biệt là nguồn lực triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công.

“Bộ Tài chính giám sát chặt chẽ, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đầy đủ trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư. Hiện, Bộ lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia để điều chỉnh sửa đổi Nghị định 65, trong đó có nội dung liên quan quyết định nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh