THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:10

Thủ tướng: Đẩy lùi và ngăn chặn dịch hiệu quả, đảm bảo an sinh cho người dân

Phòng chống dịch: Phải kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công

Tại Phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo báo cáo, tính từ ngày 27/4 đến nay ghi nhận 4.780 ca mắc COVID-19 mới. Hiện, nước ta đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố hơn 1,1 triệu liều, trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 31.177 người. Tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, số ca trong cộng đồng đã được phát hiện sớm, kịp thời áp dụng biện pháp truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 còn nhiều nguy cơ, thách thức, đặc biệt tại một số điểm dịch ở tỉnh Bắc Giang, TP.Hồ Chí Minh... Do đó cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao như hiện tại, thậm chí cao hơn để đảm bảo được khả năng khống chế dịch bệnh trên địa phạm vi cả nước .

Thủ tướng: Đẩy lùi và ngăn chặn dịch hiệu quả, đảm bảo an sinh cho người dân - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh Nhật Bắc)

 Về tình hình kinh tế, trong tháng Năm và 5 tháng năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song nước ta vẫn đạt được các kết quả nổi bật như: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất, tỷ giá ổn định, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư nước ngoài...

Tính lũy kế 5 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, tăng 8,8%; xuất khẩu đạt trên 130 tỷ USD, nhập khẩu trên 131 tỷ USD, nhập siêu 0,37 tỷ USD; chỉ số CPI bình quân 5 tháng tăng 1,29% so cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước đạt gần 50% dự toán năm, tăng 15,2% so cùng kỳ...

Phát biểu kết luận phiên họp buổi sáng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định trong tháng 5 nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là bảo vệ và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tiếp tục nhiệm vụ duy trì, khôi phục kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh; kết thúc năm học 2020-2021 trong khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đợt thứ 4 với diễn biến phức tạp hơn.

Thủ tướng: Đẩy lùi và ngăn chặn dịch hiệu quả, đảm bảo an sinh cho người dân - Ảnh 2.

Các thành viên Chính phủ tham dự Phiên họp (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng khẳng định dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn dân, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, dịch COVID-19 đang từng bước đẩy lùi tại các địa bàn trọng điểm.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, Thủ tướng cho rằng, sắp tới vẫn phải chống dịch trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", phải kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công. Phòng ngừa vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng ngừa từ sớm từ xa từ cơ sở từ khi chưa dịch. Tấn công là cấp bách, là đột phá, chủ động xét nghiệm ở những nơi chưa có dịch, thần tốc nơi có dịch, vaccine là chiến lược, là quyết định, ứng dụng công nghệ là bắt buộc. Các cấp, các ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phòng chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra.

 Thủ tướng nhấn mạnh phải kiềm chế đẩy lùi và ngăn chặn có hiệu quả làn sóng dịch thứ tư, để bảo vệ sức khỏe tính mạng của người dân. Đồng thời, khôi phục và phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị an ninh an toàn, củng cố và tăng cường đối ngoại đảm bảo an sinh cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế. Phấn đấu tối đa để hoàn thành nhiệm vụ mà Quốc hội giao, cũng như trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

 Kinh tế- xã hội vẫn đạt được các kết quả nổi bật, đời sống nhân dân ổn định

Thủ tướng: Đẩy lùi và ngăn chặn dịch hiệu quả, đảm bảo an sinh cho người dân - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao đổi với các đại biểu bên lề Phiên họp (Ảnh: Nhật Bắc)

Về tình hình kinh tế -xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mặc dù bị ảnh hưởng bởi do đại dịch COVID-19, song kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2021 vẫn đạt được các kết quả nổi bật: Bảo vệ và tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất, tỷ giá ổn định, sản xuất công nghiệp tăng khá, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư nước ngoài; thu ngân sách đạt kết quả tương đối tốt; an sinh xã hội, đời sống nhân dân ổn định; an ninh quốc gia, quốc phòng được giứ vững; đối ngoại được tăng cường... Những kết quả đó củng cố, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc; ý Đảng hợp lòng dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập như: vẫn còn những nơi, những lúc bị động, lúng túng trong phòng chống dịch COVID-19 và có những cơ quan chưa kịp thời, hiệu quả trong thực hiện giải pháp; chiến lược vaccine triển khai còn chậm; đầu tư công vẫn chậm và khó khăn, chưa đạt mục tiêu về mặt tiến độ; nhập siêu có biểu hiện tăng; xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khối có vốn đầu tư nước ngoài; tội phạm, nhất là tội phạm trên không gian mạng xuất hiện nhiều và ảnh hưởng tới đời sống xã hội...

Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân khiến vẫn tồn tại những khó khăn trên chủ yếu là nguyên nhân chủ quan như: một số bộ, ngành chưa nắm chắc, bám sát tình hình, đưa ra giải pháp chưa phù hợp, kém hiệu quả, điều hành lúng túng; vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ; một số cá nhân, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt, gương mẫu trong tổ chức và điều hành công việc thuộc phạm vi, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao...

Tập trung tháo gỡ khó khăn, tồn tại liên quan thể chế, cơ chế, chính sách

Thủ tướng: Đẩy lùi và ngăn chặn dịch hiệu quả, đảm bảo an sinh cho người dân - Ảnh 4.

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Nhật Bắc)

Nhận định về tình hình sắp tới, Thủ tướng cho rằng khó khăn, thách thức và cơ hội đan xen, song dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn vì dịch COVID-19 nguy cơ bùng phát mạnh hơn, Thủ tướng yêu cầu thực hiện các giải pháp như: Tăng cường nhận thức về những khó khăn, thách thức, vướng mắc phải đối diện để nỗ lực và lấy đó làm động lực để vượt qua; Lãnh đạo, điều hành phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bám sát tình hình, nắm chắc tình hình, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đúng hướng, sát tình hình, khả thi và mang lại hiệu quả rõ rệt; Chính sách tiền tệ, tài khóa phải hài hòa, hợp lý để vừa bảo đảm kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo tăng trưởng.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các vấn đề còn tồn tại liên quan thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là liên quan đến vaccine, đầu tư công, kinh tế vĩ mô, các dự án thua lỗ, yếu kém; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, đặc biệt là phải tiết kiệm ngân sách để chi cho các dự án, chương trình trọng điểm và vùng đặc biệt khó khăn; khẩn trương hoàn thiện, ban hành Nghị quyết về chính sách cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19; tiếp tục kiểm soát xuất nhập cảnh, xử lý nghiêm hành vi xuất nhập cảnh, cư trú trái phép.

Riêng về đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục rà soát, rút kinh nghiệm, điều chỉnh việc bố trí vốn sát tình hình, bám sát 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các cấp chính quyền, nhất là các địa phương trọng tâm của dịch COVID-19 như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh và các lực lượng tuyến đầu chống dịch như quân đội, công an, đặc biệt là lực lượng y tế đã quyết liệt, không quản khó khăn gian khổ trong phòng, chống dịch vì sức khỏe nhân dân.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh