THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:56

Thủ tướng cứu nguy ĐBSCL: Việt Nam thụ động vì đâu?

 

Lào, Campuchia đều thiếu nước

Tiếp tục trao đổi về thông tin Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao có công hàm đề nghị xả nước các hồ chứa thuy điện để bổ sung nước ngọt cho ĐBSCL, TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trường Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho biết: "Đây là giải pháp cần thiết, rất tức thời trong thời điểm hiện tại, thế nhưng, bản thân tôi luôn lo ngại, không biết Trung Quốc có đáp ứng lại yêu cầu hay không.

Bởi vì, Trung Quốc rất hạn chế chuyện thông tin sử dụng nguồn nước được sử dụng tại khu vực Vân Nam, nên khả năng Trung Quốc đáp ứng là rất thấp. Hơn nữa, nước từ Trung Quốc chảy xuống lại đi qua vùng khô hạn của Lào, Thái Lan, họ cũng tranh thủ chuyển dòng lấy nước nên đâu đâu cũng thấy thiếu.

Có gần 140.000 ha lúa đông xuân ở miền Tây bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Thái Lan cũng đang tìm cách chuyển nước từ sông Mê Kông đi vào các vùng khô hạn của mình, cho nên khi có nước, các nước khác cũng đã chặn trước, mà đường chảy dài còn qua Lào, Thái Lan, Campuchia, đến Việt Nam thì không còn bao nhiêu.

Nhưng chắc chắn Trung Quốc cũng khó đáp ứng. Cho nên, chúng ta cứ kêu gọi nhưng không hy vọng được nhiều".

Theo ông Tuấn, nếu có thì chỉ có thêm nước sinh hoạt, còn không cứu được nước để canh tác nông nghiệp. Vì hiện nay diện tích lúa chết quá nhiều, hạn hán xảy ra diện rộng gần 140.000ha, có cứu cũng chỉ dừng lại ở mức sống thoi thóp.

"Tôi vừa qua bên Lào, làm việc về vấn đề nước, họ cũng chia sẻ hiện nay, tất cả các quốc gia trong vùng Đông Nam Á đều khô hạn, nên các nước đều xây dựng các hồ chứa, giữ nước càng nhiều càng tốt, đảm bảo nước cho những tháng mùa khô sắp tới, nên ưu tiên nguồn nước của đất nước họ hơn cho chúng ta", ông Tuấn cho biết thêm.

Còn về việc hỗ trợ tài chính cho nông dân, theo ông Tuấn, chúng ta đang có quỹ phòng chống thiên tai, nên tận dụng là rất hợp lý.

Bây giờ có nhiều cách, một là, hỗ trợ nông dân nơi có thiệt hại, có một số tiền cầm cự, chuẩn bị cho mùa vụ mới; hai là, với một số nơi, nông dân đang mắc nợ hạn hán thì khoanh nợ lại, giảm bớt hoặc xóa nợ cho nông dân.

Nhà nước phải làm công việc này, bởi vì nông dân đã và đang đóng góp an ninh lương thực cho cả nước, nông dân thiệt hại thì cả nước phải góp tay giúp nông dân. Nhưng số tiền để giải quyết hậu quả này là vô cùng lớn, cũng phải mấy chục nghìn tỷ đồng.

Khó đề nghị Trung Quốc xả nước

Trở lại vấn đề xả nước thủy điện, theo ông Tuấn, tính liên kết giữa các nước vùng hạ lưu không phải mạnh mẽ, Trung Quốc, Myanmar thì đứng ngoài Ủy ban sông Mê kông quốc tế, nhưng hiện tại, trong các hồ chứa thủy điện chủ yếu lại là của Trung Quốc, tương lai có thêm Lào.

Bây giờ chúng ta rất khó đề nghị Trung Quốc xả nước. Hoặc họ sẽ xả nước nhưng đặt thêm điều kiện cho chúng ta. Lúc đó, chúng ta bị phụ thuộc rất nhiều, trong khi lượng nước chảy từ Trung Quốc chảy đến ĐBSCL không còn bao nhiêu, dọc đường bị rơi rớt rất nhiều.

"Chúng ta vẫn phải chấp nhận thế bị động, vì nằm cuối cùng vùng hạ lưu, đấu tranh ngoại giao chỉ là một phần, hạn chế những thiệt hại. Qua đây, chúng ta phải rút ra bài học thiệt hại ra sao, nếu hạn hán cộng với nguy cơ khác thì tình trạng như thế nào.

Nhưng thay vì đưa ra các giải pháp tình thế, chữa cháy như hiện nay, phải phân tích, đánh giá để có những giải pháp căn cơ, lâu dài. Vấn đề ở đây rất quan trọng, chúng ta là nước xuất khẩu gạo nhiều nhất, nhì thế giới, cho nên cần dự trữ nước nhiều, phải có biện pháp giữ lại nguồn nước mưa.

Khôi phục lại hồ chứa tự nhiên ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giáp Long Xuyên, để giữ trọn nguồn nước, ông Tuấn chia sẻ.

 Đồng quan điểm, PGS.TS Dương Văn Chín - Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, Việt Nam một mặt phải đấu tranh cho việc các nước hạn chế hoặc không xây đập trên sông Mê Kông cứ để chảy như hàng ngàn năm qua. Một mặt, người Việt Nam phải nỗ lực làm hồ đập lớn ở ĐBSCL khi mùa nước lũ, dồn nước ngọt vào hồ đó, dự trữ nước ngọt.

Một điều quan trọng nhất, ông Chín nhấn mạnh: "Thủ tướng đã chỉ đạo thì các Bộ ngành, địa phương phải triển khai vào thực tế, khi đó mới có hiệu quả".

Theo Châu An/datviet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh