THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:49

Thủ tướng Chính phủ: Yêu cầu ứng phó khẩn cấp bão với Mangkhut và mưa lũ

Hình ảnh vệ tinh của bão Mangkhut với vùng ảnh hưởng rộng lớn. Ảnh: NCHMF


Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đối với khu vực trên biển và các đảo, tổ chức rà soát các loại tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt việc ra khơi; hướng dẫn thoát ra và không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc kêu gọi về nơi tránh trú an toàn.

Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm; không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, nhất là tại các địa phương gần khu vực tâm bão khi bão đổ bộ vào.

Hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa và các công trình công cộng, tháp cao; cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, hạn chế thiệt hại do bão; thu hoạch các diện tích lúa đã chín, chủ động tiêu nước chống úng ngập đối với các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Triển khai gia cố đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển bị sự cố, đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc. Quyết định cho học sinh nghỉ học; kiểm soát giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, các cầu vượt biển để bảo đảm an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào.

Đối với khu vực miền núi, trung du, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu hoặc đã đầy nước.

Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Thủ tướng yêu cầu, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát phương án, chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của bão bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực bão đổ bộ và an toàn giao thông.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện vận tải; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố, bảo đảm giao thông trên các tuyến giao thông chính. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, gia cố và triển khai các biện pháp bảo vệ, giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, thủy sản; bảo vệ hồ đập thuỷ lợi, đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển xung yếu.

 Bộ Công Thương chỉ đạo đảm bảo an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và dầu khí trên biển; vận hành an toàn các hồ đập thuỷ điện, hệ thống điện; bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.

 Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, các công trình cao tầng, công trình cột tháp cao,…

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh