CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:16

Thủ tướng chỉ đạo Lai Châu cải thiện mạnh môi trường đầu tư

Hội nghị do UBND tỉnh Lai Châu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và một số đơn vị phối hợp tổ chức.

Sau Quảng Trị, đây là địa phương thứ hai thuộc nhóm khó khăn nhất cả nước được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì Hội nghị xúc tiền đầu tư.

Lai Châu là tỉnh miền núi, địa hình đồi núi chiếm đa số, tỷ lệ đồng bào dân tộc ít người chiếm tới 85%, lao động nông nghiệp cũng là chủ yếu, nên tình hình kinh tế xã hội thuộc diện khó khăn nhất cả nước.

Thủ tướng gặp gỡ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại Hội nghị.

 

Minh chứng là Lai Châu có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều lên đến trên 40%, số hộ cận nghèo 10% 6/8 huyện thị thuộc diện đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người rất thấp, khoảng 18,2 triệu/người/năm. Chính những lợi thế của tỉnh chưa được khai thác, cộng với ít nhân lực chất lượng cao, địa hình sản xuất khó khăn, đã khiến ít nhà đầu tư tìm đến Lai Châu.

Đến nay cả tỉnh chỉ có 1.100 doanh nghiệp. Cả quý 1 năm 2016, chỉ có 27 doanh nghiệp mới được thành lập.

Năm 2015, thu ngân sách tỉnh chỉ đạt 1.000 tỷ đồng, kế hoạch năm nay là 1.500 tỷ. Trong khi đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 chỉ xếp thứ 61 trong tổng số 63 tỉnh.

Tính đến nay, Lai Châu đã thu hút được 124 dự án, với tổng số vốn là 205.000 tỷ đồng.

Lai Châu là tỉnh có những lợi thế về sản xuất nông nghiệp, như: Chè, cao su, có độ cao – khí hậu thuận lợi để nuôi trồng thủy sản một số loài có giá trị kinh tế cao, có thể tập trung được cả nghìn ha đất để phát triển chăn nuôi gia súc quy mô lớn.

Lai Châu có cửa khẩu quốc gia Mà Lù Thàng thông với cửa khẩu Kim Thủy Hà của tỉnh Vân Nam – Trung Quốc.

Ngoài ra, Lai Châu là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, nhiều văn hóa Lễ Hội đặc sắc, có tiềm năng phát triển du lịch.

Lai Châu hiện đang kêu gọi đầu tư vào 21 dự án trọng điểm với nhiều lĩnh vực khác. Riêng đối với phát triển du lịch, gần như vẫn ở con số 0. Do đó, tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào lĩnh vực này.

Tỉnh có diện tích đất lớn phù hợp với cây chè, cây dược liệu. Đối với khu vực cửa khẩu, tỉnh kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng, các khu kinh tế biên mậu, khu thương mại khu vực biên giới. Ngoài ra còn có cơ hội lớn trong phát triển năng lượng như thủy điện, khai thác đất hiếm, vì đây là tỉnh có 5% tổng lượng đất hiếm của thế giới.

Cam kết với hơn 200 nhà đầu tư tại hội nghị, lãnh đạo Tỉnh Lai Châu cho biết sẽ đầu tư vốn phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư hệ thống thủy lợi, đảm bảo đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, tỉnh tạo điều kiện để doanh nghiệp có đất đai đủ lớn để sản xuất quy mô lớn. Tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi, cho thuê, góp đất với doanh nghiệp sản xuất theo quy mô lớn.

Lãnh đạo tỉnh Lai Châu cũng cam kết luôn lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư, đồng hành cùng nhà đầu tư, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp quy định pháp luật, để tạo môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi.

Điểm mới là lãnh đạo tỉnh cam kết bất kỳ khi nào khó khăn, có thể gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo tỉnh, sở ngành, để sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng cho biết, Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến những tỉnh khó khăn. Chính vì vậy, Thủ tướng làm việc với Lai Châu để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn này.

Thủ tướng hoan nghênh UBND tỉnh Lai Châu, BIDV, các bộ ngành tổ chức hội nghị xúc tiến này, hoan nghênh hơn 200 nhà đầu tư tham gia hội nghị, tìm cơ hội đầu tư.

Về tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội của Lai Châu, Thủ tướng chỉ ra Lai Châu có tiềm năng lớn phát triển kinh tế như nguồn nước dồi dào, sản phẩm nông sản như, gạo, hay chè, loại sản phẩm đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận; nguồn lực thủy sản; mỏ đất hiếm lớn.

Ngoài ra có nhiều sản phẩm văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc, các địa danh thiên nhiên đẹp có thể kết hợp với phát triển du lịch. Thế mạnh khác là rừng được bảo vệ, giữ gìn, là tiềm năng để khai thác du lịch.  

Về những việc cần làm, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Lai Châu tiếp tục phát huy đội ngũ cán bộ tốt, tận tụy, hiểu biết về quản lý – văn hóa, để ứng xử với các nhà đầu tư tốt hơn.

Và đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải khẩn trương cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Thủ tướng nói: “Tỉnh cũng phải tiếp tục cải cách hành chính tốt hơn, tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn cho nhà đầu tư, để môi trường đầu tư đó luôn luôn tạo thuận lợi cho nhà đầu tư làm ăn có hiệu quả ở tỉnh Lai Châu. Coi lợi ích của nhà đầu tư như chính lợi ích của tỉnh mình, quốc gia mình…”.

Bên cạnh đó, Lai Châu phải quan hệ tốt với nước bạn, trong đó có các tỉnh: Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, gắn liền với an ninh quốc gia. Tỉnh cũng phải nâng cao mức sống nhân dân, đào tạo nhân lực, và giữ rừng.

Đối với các nhà đầu tư, Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư thực hiện các cam kết đầu tư, trong quá trình đầu tư phải giữ gìn môi trường, nhất là khi đầu tư vào các dự án thủy điện, khoáng sản, đồng thời giữ gìn, duy trì văn hóa đặc sắc địa phương.

Về sự hỗ trợ của Chính phủ đối với Lai Châu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Trước mắt là đầu tư cơ sở hạ tầng cho Lai Châu, trước hết là tuyến đường từ Lai Châu nối liền với đường cao tốc Hà Nội  - Lào Cai và các tuyến đường liên tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ tạo cơ chế chính sách để Lai Châu có thể thu hút đầu tư. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tìm chính sách kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để cho phép Lai Châu triển khai”.

Thủ tướng cũng cam kết với các nhà đầu tư là Chính phủ đảm bảo giữ ổn định vĩ mô, không để xảy ra lạm phát cao, bất ổn, để tất cả các nhà đầu tư yên tâm làm ăn ở Việt Nam.

Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, UBND tỉnh Lai Châu trao quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án có tổng mức đầu tư gần 8.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngay tại hội nghị, Ngân hàng BIDV đã ký kết một số hợp đồng tài trợ vốn cho một số dự án đầu tư vào Lai Châu.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh