THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:12

Thủ tướng: Cần chấn chỉnh ngay tình trạng nói hay, làm dở

 

Kiên quyết không để vướng mắc kéo dài

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đến hôm nay, chúng ta có thể vui mừng đánh giá kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt kết quả quan trọng, toàn diện. Thủ tướng nêu ra một số sự kiện đối ngoại nổi bật thời gian qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như: Chính thức ký Hiệp định EVFTA, IPA với EU; trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu rất cao; chuẩn bị phục vụ tốt Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc… qua đó, thể hiện hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển và có trách nhiệm.

Nhấn mạnh Chính phủ đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong chỉ đạo điều hành suốt 6 tháng qua, Thủ tướng nêu rõ chúng ta đã và đang làm được rất nhiều việc: Xây dựng kịch bản tăng trưởng, phương án điều hành hằng tháng, hằng quý, tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về hội nhập quốc tế, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, chế biến nông sản, phát triển bền vững ĐBSCL, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát triển du lịch, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử… Không chỉ kinh tế, các vấn đề xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại cũng được quan tâm.

Về kết quả 6 tháng đầu năm 2019, theo Thủ tướng, kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát tốt. Tăng trưởng GDP, thu ngân sách, đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu, phát triển doanh nghiệp đều đạt khá.

Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất; phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự cần được quan tâm nhiều hơn, như gian lận thi cử, đạo đức, văn hóa ứng xử, xâm hại trẻ em, tình trạng trẻ em đuối nước, rác thải nhựa, xảy ra nhiều vụ trọng án giết người dã man, đánh bạc trên mạng quy mô lớn, nạn buôn bán ma túy…

“Tôi muốn nhấn mạnh với các đồng chí rằng, tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công nhân viên chức đại bộ phận chúng ta là tốt. Anh em có nhiều cố gắng, có trách nhiệm, nhưng vẫn còn một bộ phận nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc lơ là, bê trễ trong công việc, nên lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành cần chấn chỉnh ngay, không để đến khi vi phạm phải xử lý, mất cán bộ. Tình trạng nói hay, làm dở, làm chậm, trách nhiệm thấp, kể cả chuyển lòng vòng, cấp dưới kêu ca, người dân chờ đợi vẫn còn”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, với trách nhiệm cao nhất, tiếp thu, lắng nghe và xử lý nhanh những vấn đề tồn tại kéo dài. “Chúng ta có thái độ nhìn nhận nghiêm túc, thể hiện trách nhiệm nhưng đặc biệt, phải tìm giải pháp khắc phục trong 6 tháng cuối năm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

 

Tạo động lực hỗ trợ tăng trưởng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu không có yếu tố bất thường, dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 có thể đạt mục tiêu đề ra là 6,8%. Bộ trưởng lưu ý, quý III là giai đoạn rất quan trọng, có tính chất quyết định, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng đạt tối thiểu 6,91%. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ, thực hiện nhanh, quyết liệt các giải pháp, củng cố niềm tin và sự an tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra ở mức cao.

Bộ trưởng cũng chỉ ra, giải ngân vốn đầu tư công tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng tiến độ nhìn chung còn chậm, đặc biệt là vốn nước ngoài. Do đó, thời gian tới, cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3-8-2017 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Trong đó, đặc biệt lưu ý quy định: Các dự án, nếu đến ngày 30-9-2019 giải ngân đạt dưới 30%, sẽ không được tiếp tục bố trí kế hoạch vốn năm sau.

Liên quan tới việc thực hiện cải cách, bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: “Các bộ, ngành cần ưu tiên thực hiện ngay các hoạt động hướng dẫn, theo dõi, giám sát việc thực thi để bảo đảm các cải cách được thực hiện đầy đủ, doanh nghiệp ghi nhận sự thay đổi tích cực”.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kết hợp với hạn hán khu vực miền Trung, Tây Nguyên và chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, cần chuẩn bị kỹ các phương án, giải pháp phòng, chống thiên tai, bão lũ, cháy rừng, giảm tối đa thiệt hại về người, cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn, ổn định đời sống người dân và sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống cháy, nổ, tai nạn giao thông.

An sinh xã hội được quan tâm toàn diện, đồng bộ với phát triển kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, trong thời gian qua, an sinh xã hội đã được quan tâm một cách sâu sắc hơn, toàn diện và hài hòa hơn, đồng bộ phát triển kinh tế. Đây là vấn đề có nhiều chuyển biển so với những tháng đầu năm cùng kỳ năm 2018. “Chất lượng đời sống nhân dân được cải thiện, diện mạo nông thôn đổi mới. Điều rất đáng mừng là tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện nay còn 5,23% so với chỉ tiêu đề ra, số hộ thiếu đói giảm 30,9%, chúng ta đã hỗ trợ 3,7 nghìn tấn lương thực, đời sống người có công, bảo trợ xã hội đảm bảo theo đúng các quy định. Giải quyết việc làm chúng ta đạt rất kết quả tốt, 6 tháng đầu năm 2019 đã có 710.000 người được giải quyết việc làm trong nước. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay còn 1,98%, đây là một tỷ lệ thấp nhất từ trước tới nay (năm 2018 chúng ta có tỷ lệ là 2,2%) được Ngân hàng thế giới đánh giá là 1 trong 8 quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 160 quốc gia” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, có một vấn đề mới là trong 6 tháng qua, mô hình phát triển BHXH tự nguyện đạt kết quả rất tốt. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đến nay đã có 125.000 người tham gia, và lũy kế trong năm nay sẽ có khoảng 400.000 người. Và như vậy, đến hết năm 2019 ước tính sẽ có khoảng 450.000 người tham gia. Điều đó cho thấy là năm 2019, với quyết tâm rất cao và đặc biệt có sự phối hợp, đóng góp rất lớn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), BHXH Việt Nam và ngành LĐ-TB&XH, sự hỗ trợ trực tiếp từ các địa phương, chỉ trong một năm 2019, chúng ta đã nâng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện lên bằng 15 năm qua. Như vậy, việc triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội rõ ràng có hiệu quả trong thực tiễn, với sự vào cuộc của các ngành, các cấp, mà trong đó có 4 yếu tố gồm: Một là sự vào cuộc của lãnh đạo các cấp ủy và chính quyền; Thứ hai là đổi mới cách làm; Thứ ba là tuyên truyền và Thứ tư là xây dựng chính sách BHXH vì người dân. Đây là kinh nghiệm rất quý trong phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH”.  


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, trong thời gian qua, an sinh xã hội đã được quan tâm một cách sâu sắc hơn, toàn diện và hài hòa hơn, đồng bộ phát triển kinh tế.

 

Tại phiên họp, Bộ trưởng cũng trăn trở về tình hình ma túy hiện nay, qua kiểm tra của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, với quy mô ngày càng lớn hơn, tinh vi hơn, phức tạp hơn. Trong nước tiềm ẩn nhiều tổ chức manh động, phức tạp và tinh vi. “Hiện nay trong nước đang có 80 tụ điểm và gần 1500 điểm phức tạp về ma túy. Tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý là 240.000 người, tăng 30% so với năm 2018, và trong thực tiễn thì có thể tăng hơn. Cá biệt qua kiểm tra có tỉnh tăng gấp ba lần so với năm 2011, đây là vấn đề rất nhức nhối. Điều đáng nói là xu hướng người dùng ma túy tổng hợp tăng nhanh, đang dần dần thay thế thuốc phiện, ước tính có đến 40-50% tổng số người dùng ma túy tổng hợp, cá biệt có một số tỉnh lên đến 90%. Hiện nay chúng ta có khoảng 67,5% người nghiện ma túy đang sống ngoài các khu dân cư, xấp xỉ 30% đang sống trong các Trung tâm cai nghiện và các cơ sở do Bộ Công an quản lý. Thời gian gần đây, đáng lo ngại là người mới sử dụng ma túy chủ yếu là thanh niên và chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp. Từ hình thức sử dụng ma túy bình thường nay chuyển sang chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp, ngoài ra có khoảng 30 loại chất ma túy mới chúng ta chưa có danh mục đã vào Việt Nam, các chất ma túy như cỏ mỹ, nấm, tem giấy, thuốc thần… gây ra tình trạng ảo giác, ảo thanh, rối nhiễu tâm trí, rối loạn tâm thần, ngáo đá… cao gấp 9-10 lần ma túy bình thường. Trước tình hình như vậy, chúng tôi đề nghị Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, các bộ ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo, kiểm tra và kiên trì bám sát mục tiêu giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Thứ hai là tăng cường quản lý, giáo dục giới trẻ. Thứ ba là tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ. Thứ tư là đồng bộ 3 nhóm cai nghiện, kể cả cai nghiện gia đình, cộng đồng, cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Không nên quá nhấn mạnh giải pháp, mô hình nào, tùy theo tình hình địa phương để vận dụng cho phù hợp, bởi vì chúng ta không có một mô hình nào là khả thi nhất trong tình hình hiện nay” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, Quốc hội và Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Pháp lệnh Ưu đãi Người có công (sửa đổi), Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm vì đây là vấn đề rất lớn, nhất là Bộ luật Lao động (sửa đổi) vì có nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu, tổ chức người đại diện. Do đó Bộ trưởng đề nghị các địa phương, thực hiện chỉ đạo, quan tâm nắm tình hình, tuyên truyền phổ biến, tránh tình trạng để người dân bị lôi kéo, kích động, gây bất lợi trong xã hội.

Trong dịp Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các địa phương tập trung thực hiện Chỉ thị 14 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó quan tâm đến chỉ đạo, giải quyết hồ sơ tồn đọng căn bản hoàn thành vào năm 2020. Bên cạnh đó triển khai khẩn trương hỗ trợ Người có công về nhà ở, theo chỉ đạo của Thủ tướng là sẽ kết thúc vào 31/12/2019. Đặc biệt hiện nay một số địa phương còn tồn tại hiện tượng Người có công thuộc hộ nghèo, với 16,500 hộ và số này bằng 1,26% tổng số hộ nghèo. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương có hành động thiết thực để chung tay xóa nghèo cho Người có công, để Người có công có cuộc sống bằng và cao hơn mặt bằng khu dân cư.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ tổ chức các hoạt động lớn nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, trong đó có trao bằng Tổ quốc ghi công cho 500 liệt sĩ tồn đọng thời kỳ chống Pháp và Hội nghị gặp mặt, biểu dương 500 thương binh nặng hạng I sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Ngoài ra Bộ trưởng cũng đề nghị các cấp chính quyền quan tâm phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em, nhất là phòng chống đuối nước trong những tháng hè này.

HUYỀN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh