THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:48

Thủ tướng: Cán bộ nếu chỉ có đức thì “không thể lãnh đạo được”

Chiều 10/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia thảo luận tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhiều ý kiến đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề đánh giá cán bộ, trọng dụng nhân tài.

Thủ tướng mong muốn các ý kiến đóng góp sẽ được tiếp thu trong văn kiện trình Đại hội Đảng XIII tới đây.

“Mờ ám, tiêu cực, lợi ích nhóm” phải xử nghiêm

Phát biểu tại tổ, Thủ tướng nhấn mạnh đến đổi mới mạnh mẽ trong cách làm, đặc biệt là chính sách thu hút người tài để những người tài, giỏi phải được trọng dụng.

“Các tỉnh, TP phải trong sáng, chứ không phải ông đề bạt một cán bộ tốn bằng này tiền đâu, chấm dứt trò ấy đi”, Thủ tướng nói và đặt vấn đề cơ chế nào, cách làm nào chọn nhân tài?

Theo ông, trong thu hút nguồn lực thì con người rất quan trọng. Khâu đôn đốc, kiểm tra, sự nghiêm túc trong triển khai thực hiện cũng rất quan trọng. “Thái độ thực hiện nghiêm túc thì đất nước mới phát triển được, người dân mới có niềm tin được”, Thủ tướng nói.

Ông dẫn chứng ngay trong nhiệm kỳ này đã có việc “sai đến đâu, sửa đến đó” và đánh giá đây là việc làm rất nhân văn nhưng rất cương quyết để lấy lại niềm tin.

Thủ tướng quán triệt các địa phương, bộ, ngành phải gương mẫu, các vấn đề mờ ám, tiêu cực, lợi ích nhóm trong chính sách và hành động phải được xử lý nghiêm.

“Chúng ta có mấy triệu đảng viên, nếu tất cả làm gương thì chắc chắn sẽ thay đổi rất lớn, niềm tin rất cao”, Thủ tướng lưu ý, cán bộ phải có cả đức và tài, nếu chỉ có đức thì “không thể lãnh đạo được”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh “thể chế tiến bộ sẽ mở cửa cho đất nước phát triển” và nhận định mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển, có thu nhập cao không phải mục tiêu đơn giản nếu không có ý chí, quyết tâm.

Người tài giỏi, tâm huyết phải trọng dụng

Hiện giờ thành phần trung lưu của Việt Nam bằng cả Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) cộng lại. Đến 2045, phấn đấu Việt Nam có 50% là thành phần trung lưu, tức có khoảng 50 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu.

Vì thế, theo Thủ tướng, những gì tháo gỡ được để dân tộc tiến bước mạnh mẽ hơn thì phải đặt ra trong Dự thảo Văn kiện này để mọi người đóng góp. Người tài, người giỏi, người tâm huyết phải trọng dụng.

“Những người không làm được có văn hóa từ chức không? Rõ ràng có văn hóa từ chức, có nghị định về từ chức nhưng số này ít lắm. Phải tạo thói quen”, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh tính đoàn kết, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, tất cả người dân đều có trách nhiệm để làm sao nâng cao uy tín của Việt Nam, xóa bỏ những thứ lạc hậu, cũ kỹ. Đặc biệt, 100 triệu dân phải cùng một ý chí. “Nhân chi sơ tính bản thiện chứ không phải nhân chi sơ tính cục bộ đâu”, ông nói.

Thủ tướng: Cán bộ nếu chỉ có đức thì “không thể lãnh đạo được” - Ảnh 1.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải phát biểu tại thảo luận.

Đề cập đến các nguy cơ như nguy cơ tụt hậu, tham nhũng… đã xác định rõ, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), Đảng phải tiếp tục đóng vai trò “thuyền trưởng”, chèo lái con thuyền cách mạng đến bến bờ vinh quang. Đặc biệt, là nâng cao được lòng tin của dân.

“Dân xa rời Đảng sẽ rất nguy hiểm, lấy đâu ra lực lượng chống lại những nguy cơ này? Người dân đánh giá chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm chính là giặc nội xâm, cần phải loại bỏ”, ông Nhưỡng nhấn mạnh, lòng tin của người dân cần được ươm mầm, phát triển.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị trước tiên phải khắc phục những yếu kém của cán bộ công chức. Trong đó, ông nhấn mạnh điều nguy hiểm nhất hiện nay là suy thoái về phẩm chất chính trị.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (đoàn Quảng Ninh) cho hay, một trong những điểm nhấn trong nhiệm kỳ này là công tác cán bộ với nhiều thay đổi, nhất là quy trình 5 bước. Việc thực hiện quy trình có thể còn có vấn đề này, vấn đề kia, nhưng cơ bản "chạy chức", "chạy quyền" đỡ hơn rất nhiều.

Ngay xử lý kỷ luật cán bộ, ông Vũ Hồng Thanh cho hay, khi Trung ương bàn "rất nhân văn". Hàng tháng lãnh đạo chủ chốt đều họp, những việc gì phức tạp, khó được đưa ra trao đổi, bàn bạc xử lý.

Kiến nghị bảo vệ cán bộ đảng viên, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đào Thanh Hải cho rằng, mục tiêu xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo anh ninh quốc phòng, trong đó có mục tiêu phải hoàn thành xây dựng đất nước thành nước công nghiệp phát triển là một nhiệm vụ nặng. 

“Vừa qua, sau 1 loạt vụ việc xảy ra, nhiều cán bộ, đảng viên không dám đổi mới, sáng tạo diễn ra ở tất cả các cấp ngành địa phương. Hầu hết cán bộ, đảng viên gần đây đều xác định làm tròn vai thì đứng yên một chỗ”, ông Hải nói.

Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đơn cử, sáng 10/11, HĐND TP Hà Nội triệu tập phiên họp bất thường thông qua kế hoạch đầu tư công. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bính Ngọc phát biểu tại hội nghị cho biết, thời gian qua, đã TP đã phân cấp nhiều cho quận, huyện nhưng có nhiều quận “sợ” vẫn xin ý kiến HĐND TP để cho chắc.

Theo ông Hải, trong nghị quyết nêu đổi mới sáng tạo, đột phá để hoàn thành mục tiêu, yêu cầu. Song hiện tại đổi mới, sáng tạo và đột phá giữa đúng và sai là vô cùng mong manh.

“Nếu như không bảo vệ được cán bộ thì chắc chắn không ai sáng tạo, không ai dám đổi mới, đột phá”, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội nhấn mạnh. Từ đó, ông Hải cho rằng Nghị quyết Đại hội Đảng cần nhấn mạnh vấn đề bảo vệ cán bộ, nếu không có thì quá trình thực hiện nghị quyết gặp rất nhiều khó khăn.

“Khi cán bộ đổi mới sáng tạo, làm được thì khen, không làm được thì quy trách nhiệm rất nặng nề, trong khi đó cái không thành công đó có thể do khách quan đem lại…”, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội nhấn mạnh một lần nữa, quan điểm của ông là phải bảo vệ cán bộ dám đổi mới, sáng tạo và có những quan điểm đột phá. 

Vì vậy, ông đề nghị bổ sung việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Phải có sự công minh trong bổ nhiệm cán bộ

Đề cập đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát hiện bồi dưỡng nhân tài, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) thì mong rằng "phần này phải làm sâu sắc hơn, đặc biệt là phải có sự công minh, bình đẳng trong việc bổ nhiệm cán bộ và cả về mặt cơ hội để họ phát triển".

Theo đại biểu đoàn TP Hà Nội, vấn đề công minh, bình đẳng trong bổ nhiệm cán bộ là hết sức quan trọng.

“Nhiều người ở vùng sâu, vùng xa, con nhà nghèo nhưng phát triển rất tốt. Ngay cả tôi cũng là còn em nông dân. Do vậy, theo tôi nghĩ là con ai cũng được, miễn là có tài, có đức, có tâm thì phải có cơ chế để họ cống hiến cho đất nước”, ông Trí nói.


Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh