Thủ tướng ấn định bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2021
- Tây Y
- 04:49 - 05/03/2020
Sau khi ông Vương Đình Huệ chuyển công tác làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, theo quyết định mới ban hành tháng 2/2020 về phân công công tác của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Đây là phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải chỉ điều chỉnh đôi chút
Nguồn nào để thực hiện cải cách tiền lương là vấn đề được thảo luận nhiều tại phiên họp. Một số ý kiến cho rằng, gốc của vấn đề là phải tinh giản biên chế, cân đối được bài toán ngân sách hay đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nguyên tắc thiết kế thang bảng lương cần căn cứ mức độ phức tạp của vị trí việc làm. Có ý kiến nhấn mạnh, tiền lương phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ấn định thời gian bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2021. Thủ tướng nhấn mạnh, thang, bảng lương của hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, đối tượng chính sách, người về hưu là rất quan trọng trong bối cảnh hệ thống chính trị đa dạng của nước ta
“Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và cho rằng, cải cách tiền lương là bài toán khó, liên quan đến nhiều đối tượng. Cải cách tiền lương thì phải cải cách thực sự, chứ không chỉ là việc bù trượt giá. “Đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải chỉ điều chỉnh đôi chút, không có nhiều ý nghĩa”, Thủ tướng quán triệt.
Thủ tướng cũng yêu cầu, phải bám sát các nghị quyết của Trung ương, của Chính phủ gồm Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết 107 của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Giảm đầu mối, biên chế là cơ sở quan trọng để cải cách tiền lương
Cải cách tiền lương phải tiến hành đồng bộ đối với các đối tượng. Bộ Nội vụ cần tiếp tục phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để hoàn thiện xây dựng thang bảng lương, một vấn đề vô cùng phức tạp. Mức lương mới phải được cải thiện so với mức lương cũ với tinh thần cải cách, công bằng, phải xét đến mối quan hệ giữa các đối tượng hưởng lương khác nhau.
Về chế độ phụ cấp, nguyên tắc là phụ cấp ngành do Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực có hướng dẫn cụ thể theo khung do Chính phủ quy định, bảo đảm ưu đãi phù hợp với từng đối tượng.
Nguồn để thực hiện cải cách tiền lương rất quan trọng, Thủ tướng cho biết, dành một phần từ phần vượt thu ngân sách của Trung ương và địa phương cho việc này. Bên cạnh đó, tiếp tục làm quyết liệt việc giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước, cải cách đơn vị sự nghiệp công lập. Cần có nghị định mới thay thế Nghị định 16 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. “Giảm đầu mối, biên chế là cơ sở quan trọng để cải cách tiền lương”, Thủ tướng nêu rõ. Có phương án tính toán, điều chỉnh phù hợp đối với lương hưu từng thời kỳ, đặc biệt là đối với người về hưu trước năm 1995.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội bám sát Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm xã hội để có phương án xác định, tính toán điều chỉnh cho phù hợp với lương hưu từng thời kỳ, nhất là đối với lương hưu từ trước năm 1995. Đối với điều chỉnh chính sách hỗ trợ cho người có công, thân nhân người có công, Thủ tướng chỉ đạo cần hết sức quan tâm, bởi đây là chính sách đặc biệt, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự tri ân của đất nước, dân tộc. Trước mắt, năm 2020 tiếp tục điều chỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội. Từ năm 2021 điều chỉnh theo lộ trình cải cách tiền lương.
Thủ tướng đề nghị tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến về các phương án cải cách tiền lương, đánh giá kỹ tác động để có phương án tối ưu trong khả năng ngân sách. “Đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải chỉ điều chỉnh đôi chút, không có nhiều ý nghĩa”.