Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi
- Tây Y
- 18:55 - 25/03/2022
Đoàn đã đến thăm và làm việc với trường Cao đẳng Y tế Đặng Thuỳ Trâm. Hiện trường đang đào tạo 5 ngành nghề. Số lượng tuyển sinh hằng năm có xu hướng giảm dần. Năm 2021, chỉ đạt 32% so với chỉ tiêu. Trường đã chọn ngành Điều dưỡng và Dược trình độ cao đẳng để phát triển thành hai ngành nghề trọng điểm quốc gia. Trường kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quan tâm đầu tư hỗ trợ kinh phí để trường xây dựng các phòng học lí thuyết, phòng thực hành, xây dựng và trang bị thư viện điện tử để đạt chuẩn.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng chia sẻ những khó khăn do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề. Hiện nay thị trường ngoài nước đang rất cần nguồn nhân lực. Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thuỳ Trâm cần chú trọng hơn nữa việc tuyển sinh ngành Điều dưỡng để đưa sang các nước làm việc sau đại dịch COVID-19. Tuyển sinh đảm bảo đầu ra chất lượng, đáp ứng yêu cầu.
Trường Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc – Quảng Ngãi cũng nằm trong kế hoạch được Trung ương đầu tư để triển khai thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023. Hiện trường đang đào tạo các bậc cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Trường đặt mục tiêu đạt chuẩn trường Cao đẳng chất lượng cao vào năm 2025. Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của nhà trường trong thời gian qua và nghị nhà trường chuẩn bị các phương án để triển khai thực hiện hiệu quả nguồn vốn được đầu tư, góp phần phục hồi tốt chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm sau đại dịch COVID-19.
Trong ngày, đoàn cũng thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất (thuộc Bộ LĐ-TB&XH). Đây là một trong 3 trường nghề trong cả nước được chọn thành lập Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Trường đã chọn 6 nghề mới để đào tạo và thực hành theo mô hình này gồm: công nghệ điện thông minh, kĩ thuật hàn công nghệ cao, kĩ thuật lập trình, gia công trên máy CNC, Quản lí vận tải, dịch vụ Logistic, nông nghiệp công nghệ cao và sửa chữa thiết bị chế biến dầu khí.
Đoàn Công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu trường tiếp tục nghiên cứu các mô hình các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trong khu vực và thế giới. Trung tâm được thành lập phải là nơi đào tạo những ngành, nghề mang tính dẫn dắt, định hướng, lan tỏa đối với các cơ sở nghề không chỉ ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đã là Trung tâm Quốc gia là phải tập trung đào tạo những ngành, nghề chất lượng cao, không đào tạo đại trà. Phải có sự khác biệt rõ so với các trường nghề khác.
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về công tác giáo dục nghề nghiệp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn đã tiếp và làm việc với đoàn.
Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Giám đốc sở LĐ-TB&XH báo cáo: Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 12 cơ sở công lập và 13 cơ sở ngoài công lập. Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp những năm qua đã phát triển đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo, cung cấp số lượng lớn nguồn nhân lực có chất lượng cho nền kinh tế. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 729 cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề. Có trên 75% giáo viên dạy nghề đã được chuẩn hóa, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tăng cường đầu tư thông qua các nguồn lực dự án ODA, chương trình mục tiêu, vốn xây dựng cơ bản tập trung, ngân sách địa phương, nguồn thu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo thống kê, có 61% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Toàn tỉnh có 05 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, 11 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế. Các ngành, nghề trọng điểm bước đầu được đầu tư trang thiết bị cơ bản đạt chuẩn theo quy định và thu hút số lượng người học ngày càng lớn, tuyển sinh hàng năm khá cao. Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển thêm 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo nghề nghiệp ban đầu cho 30% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở và 40% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Đào tạo nâng cao, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho khoảng 30% lực lượng lao động. Tỷ lệ tốt nghiệp, có việc làm phù hợp với ngành, nghề đào tạo đạt khoảng 80%. Các ngành, nghề trọng điểm, chất lượng cao đạt khoảng 90%.
Tỉnh Quảng Ngãi mong muốn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quan tâm bố trí nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia nhằm đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất và trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, nhất là đào tạo theo chương trình chất lượng cao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Nguồn nhân lực ở Quảng Ngãi rất lớn nhưng hiện nay tỉ lệ đào tạo nghề so với trung bình chung cả nước vẫn chưa cao. Quảng Ngãi cần tiếp tục rà soát hệ thống giáo dục nghề nghiệp để có hướng đánh giá, đầu tư. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp 2021-2030. Tỉnh Quảng Ngãi cần bám sát Chiến lược để xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh để tính toán nguồn lực đầu tư.
"Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên tuyền về đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề. Bởi phát triển dạy nghề là sự nghiệp và trách nhiệm của toàn xã hội. Huy động thật tốt các nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ này, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.