THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:44

Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp


Đoàn công tác Bộ LĐ - TB&XH thăm và làm việc tại Trường Trung cấp Âu Lạc Huế

Trường Trung cấp Âu Lạc Huế được thành lập theo Quyết định số 781/QĐ-UBND ngày 15/4/2009 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và trên cơ sở Trường Trung cấp nghề tư thục Âu Lạc thành lập năm 2007. Trường có chức năng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội ở trình độ Trung cấp chuyên nghiệp và Trung cấp nghề.

Sau khi thành lập, HĐQT, BGH nhà trường đã không ngừng đầu tư, xây dựng được một đội ngũ giáo viên giảng dạy có chất lượng, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, chương trình, giáo trình đồng bộ và từng bước thực hiện có kết quả các phương hướng, nhiệm vụ được giao. Với quy mô đào tạo gồm 19 ngành nghề, học sinh của trường sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm và được đánh giá có khả năng chuyên môn tốt.

Hiện nay, nhà trường đang hợp tác với Công ty CP Phát triển Hùng Hậu để đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Mới đây, Đại học Văn Hiến, 1 trong 5 trường thuộc Hệ thống Giáo dục Hùng Hậu đã chính thức khai trương Văn phòng tuyển sinh tại Huế, đặt trong khuôn viên Trường Trung cấp Âu Lạc.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch HĐQT Đại học Văn Hiến, việc mở Văn phòng tuyển sinh mới tại Trường Trung cấp Âu Lạc Huế sẽ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, theo học tại các môi trường năng động, chất lượng ngày một tăng cao của người dân Thừa Thiên Huế và các vùng lân cận.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, Trường Trung cấp Âu Lạc Huế cũng đang chuẩn bị hồ sơ để xin nâng cấp thành trường Cao đẳng Âu Lạc Huế.

Phát biểu tại chuyến thăm và làm việc, Thứ trưởng Lê Quân gửi lời chúc mừng đến toàn thể cán bộ nhân viên, giáo viên và học sinh trong nhà trường. Thứ trưởng cũng đánh giá cao những thành tích mà Trường Trung cấp Âu Lạc Huế đã đạt được trong hơn 10 năm hình thành và phát triển. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng mong muốn nhà trường nhanh chóng khắc phục các mặt còn hạn chế, để ngày càng phát triển, trở thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín tại Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung – Tây Nguyên, cũng như sớm xây dựng thành Trường Cao đẳng, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.


Thứ trưởng Lê Quân phát biểu tại chuyến thăm và làm việc với Trường Trung cấp Âu Lạc Huế

Theo Thứ trưởng Lê Quân, từ năm 2018, giáo dục đại học bắt đầu bỏ điểm sàn còn các trường Đại học thì được tự chủ trong tuyển sinh nên việc đỗ một trường đại học không còn khó khăn như trước. Vậy nên, nếu một trường Cao đẳng khi dạy chỉ chú trọng bằng cấp, làm một chương trình 3 năm rút gọn của đại học thì sẽ không tuyển sinh được. Chính vì vậy Luật GDNN và quá trình chuyển đổi của chúng ta hiện nay đòi hỏi phải cấu trúc lại chương trình rất là nhiều: Đào tạo phải mang tính chất thực hành; đào tạo gắn đào tạo theo mô đun, tín chỉ để làm sao người học vừa đi học vừa đi làm, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

“Trước đây, chúng ta dậy một năm lý thuyết những môn cơ bản. Sau đó chúng ta dạy những môn được gọi là những môn cơ sở rồi đến môn ngành, sau đó dạy đến chuyên ngành và sau cùng là sinh viên đi thực tập một số tháng rồi ra trường. Mô hình này nếu triển khai cho hiện nay sẽ thất bại. Dẫn đến tình trạng các trường cố dạy làm sao hết môn, hết tín chỉ, nhưng người học hội nhập nghề nghiệp rất là yếu. Vì vậy ngày nay các trường đang trong quá trình chuyển đổi. Tôi lấy ví dụ, để đào tạo một người trong lĩnh vực nhà hàng, đầu tiên phải dạy em đó có đủ khả năng làm được những công việc từ nhặt rau, chế biến thực phẩm, sau đó có thể đi làm được nhà hàng để phụ bàn, phụ bếp. Sau đó, những học sinh này lại về học tiếp cái mô đun cao hơn về chế biến món ăn. Xong dần dần, các em vừa đi học vừa đi làm song hành như vậy chúng ta mới có được những con người sau 2 – 3 năm làm phụ bếp tốt. Những người đó nếu có mục tiêu tiếp theo thì có thể tiếp tục đi học những môn cao hơn về ẩm thực, như: văn hóa ẩm thực, quản lý nhà hàng… và dần dần trở thành bếp trưởng hay những người quản lý nhà hàng giỏi. Với cấu trúc vừa học vừa làm như vậy và người học trước khi chọn học một nghề, một trường nghề thì lựa chọn luôn nơi mình thực hành cũng như có thu nhập trong quá trình học. Đấy là cái mà chúng ta hướng đến và cả hệ thống đang phải chuyển đổi nếu không sẽ không tuyển sinh được”, Thứ trưởng khẳng định.


Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với nhà trường

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quân, chiến lược GDNN, Bộ LĐ-TB&XH đặt trọng tâm từ nay đến 2020 và 2025 sẽ có được từ 30 đến 50 trường Cao đẳng tư thục chất lượng cao. Bên cạnh đó, nhà nước sẽ đầu tư thêm khoảng 80 trường chất lượng cao nữa. Mục tiêu là làm sao theo lộ trình đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng từ 100 – 150 trường chất lượng cao. Chất lượng cao ở đây không phải theo nghĩa đào tạo trình độ cao, mà người học có chất lượng, ra trường có việc làm tốt, có thu nhập ổn định. Ngoài ra, tới đây, các nhà trường và doanh nghiệp sẽ cùng thiết kế chương trình đào tạo và cùng tuyển sinh. Khi đó, người học sẽ biết được sau này mình làm việc gì, ở đâu và thu nhập bao nhiêu, sau này phát triển nghề nghiệp như thế nào.

“Vì vậy nguyện vọng chuyển đổi, nâng cấp từ trường Trung cấp thành trường Cao đẳng của Trường Trung cấp Âu Lạc Huế cũng như các trường khác thì Bộ luôn ủng hộ và ủng hộ rất là nhanh. Nhưng để có một ngôi trường thành công, cái khó khăn không phải là chuyển đổi pháp nhân cao hơn để dễ tuyển sinh mà quan trọng hơn cả là phải chuyển đổi về chất lượng, tư duy, nhận thức, chương trình đào tạo, đối tác…” Thứ trưởng nhấn mạnh

Cũng trong chiều 7/4, đoàn công tác của Bộ LĐ – TB&XH đã chứng kiến lễ ký kết lễ tài trợ cho Lễ hội Ẩm thực quốc tế - Huế thuộc khuôn khổ Chương trình Festival Huế năm 2018, do Công ty CP Phát triển Hùng Hậu tài trợ.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh