THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:50

Thủ phủ nuôi heo vùng Đông Nam Bộ căng mình phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

 

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, là địa phương có đàn heo lớn nhất nước khoảng 2,5 triệu con, hiện vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chú trọng đến công tác an toàn sinh học; đồng thời khi giá heo phía Nam đang còn cao hơn phía Bắc nên có thể lượng heo vận chuyển từ Bắc vào Nam sẽ gia tăng và nguy cơ xâm nhiễm, bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là rất cao.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết: Thống kê cho thấy có 46% nguyên nhân lây lan dịch tả heo Châu Phi là do các phương tiện vận chuyển và con người không được sát trùng tiêu độc; 34% do hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa và khoảng 19% do vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật…Do vậy, khả năng lây lan dịch tả heo Châu Phi vào địa bàn tỉnh Đồng Nai đang có nguy cơ rất lớn khiến chính quyền và người dân vô cùng lo lắng.

 “Khi xảy ra dịch bệnh thì người chăn nuôi cần phải khai báo ngay với chính quyền địa phương và đơn vị thú y gần nhất và để cơ quan chuyên môn tiến hành xác định rõ nguyên nhân, nếu do dịch tả heo Châu Phi thì phải tiêu hủy ngay”, ông Vinh nhấn mạnh.

Những ngày qua, các ngành chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó, việc tuyên truyền chính xác, kịp thời cho người chăn nuôi về mức độ nguy hiểm, cách phòng chống dịch; cũng như tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu dịch này không lây qua người để người tiêu dùng không vì e ngại mà tẩy chay thịt lợn. Cùng với đó là tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn qua địa bàn, đẩy mạnh việc khử trùng tiêu độc, giám sát và cảnh báo dịch bệnh. Tổ chức thống kê đàn lợn trên địa bàn tỉnh và thành lập đoàn công tác các cấp để kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở...

Tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch đến với người dân ( ảnh: Minh họa)


Ngoài ra, Đồng Nai cũng đưa ra nhóm giải pháp trong công tác phòng, chống dịch, như khai báo, điều tra dịch bệnh; trách nhiệm của địa phương trong xác định ổ dịch, vùng dịch và vùng giám sát dịch bệnh; xử lý lợn mắc bệnh; quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch…

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, đây là loại bệnh dịch gây hại rất lớn với tốc độ lây lan khủng khiếp lại không có vắc xin. Do vậy, để công tác kiểm soát được dịch bệnh tốt và tránh tình trạng người nuôi dấu dịch tỉnh nên có chính sách nhất thời để hỗ trợ cho người chăn nuôi nhỏ lẻ để họ sẵn sàng hợp tác. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, việc tuyên truyền về chính sách hỗ trợ khi dịch bệnh xảy ra cần phải nêu rõ ràng là bao nhiêu tiền/con heo để người dân dễ hiểu và tích cực hợp tác báo dịch kịp thời.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Đồng Nai cho hay: Đến nay tỉnh cũng đã xác định nguồn dịch sẽ ở 4 tỉnh phía Bắc. Hiện có 8 phòng xét nghiệm tại Chi cục Thú y Vùng 6 và tất cả các mẫu xét nghiệm gửi cũng sẽ được phiễn phí hoàn toàn. Do vậy đề nghị lãnh đạo các địa phương lưu ý muốn chống dịch hiệu quả thì cần phải phát hiện nhanh, xác định nguồn bệnh càng nhanh thì khống chế dịch mới hiệu quả.

Đồng thời, tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức tháng vệ sinh sát trùng tiêu độc ở đường làng ngõ xóm, nơi tập kết vận chuyển gia súc và các trang trại chăn nuôi nhằm phòng chống và tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường nếu có.

“Trước diễn biến của dịch bệnh, người chăn nuôi cần bình tĩnh, không bán tháo đàn heo mà cần tập trung chăm sóc để vật nuôi tăng sức đề kháng bệnh. Đồng thời, người chăn nuôi cũng cần thận trọng trong việc tăng đàn, tái đàn, tránh nguy cơ thiệt hại do dịch bệnh. Trong trường hợp xấu nhất là khi dịch bệnh xuất hiện, người chăn nuôi cần phải tự nguyện khai báo với cơ quan chức năng để tiêu hủy, tránh nguy cơ lây lan trên diện rộng”, ông Quang khuyến cáo.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ký Quyết định số 586/QĐ – UBND về việc thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời, gồm: Chốt số 1 trên quốc lộ 20 tại điểm giáp ranh giữa địa bàn huyện Tân Phú và tỉnh Lâm Đồng. Chốt số 2 trên quốc lộ 1 A tại điểm giáp ranh tại xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) và tỉnh Bình Thuận. Các chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên sẽ kiểm tra động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên vận chuyển qua địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút dịch tả heo châu Phi vào tỉnh.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh