THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:07

Thu hồi tài sản tham nhũng kinh tế năm 2021 còn khá khiêm tốn

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) thảo luận tại nghị trường.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) thảo luận tại nghị trường.

Đại biểu đề xuất kê biên tài sản ngay từ sớm

Theo đại biểu Trần Chí Cường, thực tế các cơ quan chức năng, các cơ quan tiến hành tố tụng có làm tốt đến bao nhiêu, các quy trình điều tra, truy tố, xét xử và bản án có nghiêm minh đến đâu nhưng việc thi hành không đạt hiệu quả, kết quả đạt được thấp, nhất là việc truy thu lại cho ngân sách nhà nước không đạt thì cũng chưa thực sự đạt được đầy đủ mục tiêu, hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và đáp ứng được yêu cầu kỳ vọng của nhân dân và cử tri đặt ra.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, đặc biệt là việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thi hành các bản án kinh tế, tham nhũng về tài sản là đất công, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và quyền lợi của người thứ ba ngay tình.

Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, việc kê biên tài sản, bảo đảm thi hành án đang bộc lộ sự bất cập, khiến cho việc thu hồi tài sản của nhà nước do người phạm tội gây ra gặp rất nhiều khó khăn.

Đại biểu phân tích, Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về đối tượng kê biên và phạm vi áp dụng kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại.

Như vậy, việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc bị đưa đi xét xử, còn trước đó, dù đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều được miễn trừ trách nhiệm.

Theo đại biểu, đây chính là kẽ hở của pháp luật, vô hình trung biến thành quãng thời gian vàng giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có.

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà VInh)

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà VInh)

Từ những vướng mắc trong thực tiễn, đại biểu đề nghị xem xét, hoàn thiện các quy định về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt thông qua thủ tục kết tội, có nghĩa việc kê biên tài sản bảo đảm thi hành án, không phải chờ đến khi khởi tố bị can, đến khi phiên tòa diễn ra, mà có thể vận dụng linh hoạt ở bất cứ giai đoạn nào, kể từ khi tiếp nhận tin báo tội phạm cho đến khi khởi tố vụ án, điều tra, truy tố và xét xử.

Không chỉ dừng lại ở các cơ quan tố tụng mà mở rộng phạm vi thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đến các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội tham nhũng kinh tế.

Sớm ban hành quy định về kiểm soát tài sản thu nhập của CCVC, người đứng đầu

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) ghi nhận sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong phòng chống tham nhũng. “Tham nhũng, lãng phí từng bước được ngăn chặn, tạo sự tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy Nhà nước”, ông Hòa nói. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra còn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công. Những nơi nhạy cảm trong các lĩnh vực dễ tiếp cận tham nhũng nhưng chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

“Trong lực lượng vũ trang, ngành y, các cơ quan bảo vệ pháp luật - những nơi mà nhân dân nghĩ rằng là nơi liêm khiết, trong sạch nhất vẫn còn một bộ phận tham nhũng nghiêm trọng, tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, gây bức xúc và làm giảm lòng tin trong nhân dân”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp nói. Ông cũng đưa ra nhận định của mình khi cho rằng lợi ích nhóm, sân sau còn tồn tại trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, mua tài sản công…

Về tình hình sắp tới khi “thích ứng an toàn” với dịch COVID-19, tội phạm dự báo sẽ tiếp tục phát sinh ở các lĩnh vực, ông Hòa đề nghị cần có quyết tâm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình hình tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công; lợi ích nhóm, “sân sau”. Theo đại biểu Hòa, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho công chức, viên chức, người lao động.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị tiếp tục với tinh thần tiến công trong thanh tra, kiểm toán, giám sát trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, nhất là thời gian gần đây, dư luận quan tâm nhiều tới vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế cũng như việc triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội, các khoản đóng góp của nhân dân trong hoạt động từ thiện.

Theo ông Phạm Văn Hòa, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành quy định cụ thể về kiểm soát tài sản thu nhập của công chức, viên chức, người đứng đầu nhằm khắc phục hạn chế của công tác này trong thực tế. "Vì khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng rất khó xử lý dẫn tới tài sản tham nhũng thu hồi thấp do vướng về mặt pháp lý", đại biểu phân tích.

Thanh Nhung

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh