THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:28

Thông tin thời tiết cho phụ nữ dân tộc thiểu số - Câu chuyện ở Điện Biên

  

Lò Thị Dương, thôn Mường Phăng 1, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

 

Dự án Dịch vụ thông tin khí hậu nông nghiệp cho phụ nữ và nông dân dân tộc thiểu số

Nhà Lò Thị Dương ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. 26 tuổi, Dương là mẹ của hai con nhỏ, là chủ của năm nghìn mét vuông ruộng lúa. Dương thuộc số ít phụ nữ Thái biết tiếng Kinh, đọc được chữ, biết nghe dự báo thời tiết trên đài. Nhưng với dự báo chung chung cho cả vùng rộng như  “Đông Bắc, Tây Bắc có mưa rải rác…”, Dương khó có thể vận dụng cho việc làm nông. Nhiều chị em người Thái khác còn nghe chưa thông tiếng Kinh, không rõ vùng địa lý của mình là ở đâu, những chỉ số thời tiết như nhiệt độ, tầm nhìn xa, lượng mưa bao nhiêu milimet, đối với họ hoàn toàn xa lạ. Nếu lỡ vừa cấy lúa xong mà gặp rét đậm, họ lại phải gieo mạ lại lần hai, lần ba. Nếu mưa lớn mà không biết trước để khai thông mương rãnh, ruộng của họ sẽ bị ứ nước, năng suất giảm. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã quét những nhát khắc nghiệt vào họ. Thời tiết thất thường không còn giống như kinh nghiệm dân gian, băng đọng, tuyết phủ hay hạn hán kéo dài làm cuộc sống ngày càng nhiều bất trắc.

Dự án Dịch vụ thông tin Khí hậu Nông nghiệp cho phụ nữ và nông dân người dân tộc thiểu số ở Đông Nam Á (dự án ACIS), là nhằm giúp đỡ những người như Lò Thị Dương giảm bớt rủi ro khí hậu. Ở Điện Biên, dự án do tổ chức CARE triển khai ở hai xã Mường Phăng và Pá Khoang từ năm 2015. Người dân sẽ được nhận một bản tin dự báo khí hậu cho mỗi mùa vụ (ba tháng), kèm với những khuyến cáo về nông nghiệp và chỉ dẫn sản xuất cụ thể. Bản tin này có sự tham gia của cơ quan dự báo khí tượng, các cán bộ khuyến nông cơ sở, có sự kết hợp của cả thông số khoa học và kinh nghiệm truyền thống của bà con.

Vào một ngày cuối tháng 12, Lò Thị Dương điều khiển một cuộc họp nhóm gồm 31 chị em người Thái ở xã Mường Phăng trước sự ngạc nhiên thán phục của nhóm nhà báo miền xuôi. Với sự thông minh nhanh nhẹn và vốn tiếng Kinh thành thạo, Dương là trưởng nhóm phụ nữ “Tiết kiệm thôn bản”. Trong cuộc họp, sau khi điều hành rành mạch các công việc về quĩ nhóm, Dương giới thiệu bản tin khí hậu nông nghiệp tháng 1,2,3 năm 2018 mà cán bộ vừa gửi xuống. Khoảng một nửa chị em không thạo tiếng Kinh, Dương dịch sang tiếng Thái. Trong bản tin còn có số điện thoại của cán bộ khuyến nông huyện, xã để chị em hỏi ý kiến về kỹ thuật làm nông. Trong các số điện thoại đó, số của chị Trần Thị Thanh Xuân, cán bộ trạm khuyến nông huyện Điện Biên được chị em gọi nhiều hơn cả. Cũng có lẽ bởi chị Xuân là phụ nữ, được chị em thấy gần gũi hơn. Điều mà các chị em thấy hiệu quả nhất là những hướng dẫn về thuốc trừ sâu, phân bón, dùng  lúc nào là phù hợp và tiết kiệm chi phí nhất. Ngược lại, chị Xuân cho biết học được nhiều kinh nghiệm của chị em, từ hoa dã quì nở rộ đến hạt dẻ ra nhiều cũng là những dấu hiệu dự báo thời tiết.

 

Cuộc họp nhóm phụ nữ ‘Tiết kiệm thôn bản” ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

 

Câu chuyện về “sự tham gia” và “thích ứng”

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin thời tiết, những giá trị quan trọng nhất mà dự án ACIS muốn xây dựng chính là kỹ năng tham gia và thích ứng của người dân. Lò Thị Dương và các chị em người Thái có thể hiểu được thông tin thời tiết,  áp dụng vào sản xuất, xây dựng các phương án khác nhau để ứng phó, và thường xuyên họp nhóm cùng nhau, là điều đáng mừng nhất. Nếu không có hình thức trao đổi trực tiếp mang tính sinh hoạt cộng đồng này, nông dân vùng dân tộc thiểu số sẽ rất khó tiếp thu thông tin qua báo, đài, ngay cả tin nhắn điện thoại, đơn giản vì họ yếu tri thức nền, thậm chí không biết đọc.

Anh Vì Văn Thành, một nông dân ở xã Pá Khoang, Điện Biên chia sẻ: “Trước kia vợ chỉ nghe theo chồng thôi không nói gì đâu. Từ ngày có Bản tin, đi họp nhóm với cán bộ, vợ về nhà cũng tham gia với chồng, mình nói một câu vợ cũng bàn được một câu đó”. Anh cười mà không biết rằng, câu nói hồn hậu của anh đã mang tinh thần của hai trong bảy nguyên tắc thích ứng biến đổi khí hậu (JPA) được khuyến cáo toàn cầu, đó là: Người dân tham gia xây dựng chính sách và chính sách được phổ biến dễ hiểu cho người dân; Các nhóm dễ tổn thương (như phụ nữ) được tăng cường năng lực thích ứng.

Trong cuộc họp tổng kết 3 năm thực hiện dự án ở Điện Biên, có sự xuất hiện của rất nhiều mái tóc búi cao lên đỉnh đầu của những phụ nữ Thái. Nhờ vào các bản tin dự báo thời tiết mùa vụ, mỗi mảnh ruộng 1000 mét vuông đã thu hoạch tăng thêm 3- 5 bao thóc, lượng thuốc trừ sâu và phân bón sử dụng ít hơn, thu nhập của bà con tăng lên, sự tự tin của những phụ nữ nông dân dân tộc thiểu số tăng theo. Câu hỏi được đặt ra là khi CARE kết thúc dự án, ai sẽ là người tiếp tục làm Bản tin Khí hậu Nông nghiệp cho bà con, ai sẽ nhân rộng sáng kiến này đến toàn vùng núi phía Bắc rộng lớn?

Sự điều phối bằng chính sách là giải pháp quan trọng nhất

Nếu như Đài khí tượng thủy văn chỉ cho ra các thông số kỹ thuật, Đài Phát thanh truyền hình chỉ đọc dự báo, các đơn vị ngành nông nghiệp không chỉ ra cách vận dụng cụ thể, các ủy ban nhân dân, hội phụ nữ không kịp thời khuyến cáo thông tin đến tận hộ dân, cô Lò Thị Dương 26 tuổi không mạnh dạn làm trưởng nhóm phụ nữ thôn bản, thì tình trạng ruộng nhà ai nhà nấy lo sẽ còn phổ biến. Lâu nay, các nhóm phượt lên vùng cao thường chỉnh sửa các bức ảnh chụp để màu vàng lúa chín mượt đều, còn thực tế, mỗi nhà cấy một ngày, mỗi ruộng chăm một cách, lúa sẽ không đều vụ, chỗ xanh chỗ vàng lõm bõm.

Nhóm nông dân nghèo, nhóm người dân tộc thiểu số sẽ là những nhóm người đầu tiên bị tổn thương vì rủi ro khí hậu. Kế hoạch thích ứng quốc gia về biến đổi khí hậu cần phải chú ý tới điều đó. Nhiều nước đã vận dụng Bản nguyên tắc thích ứng (gọi tắt là JPA, bao gồm 7 nguyên tắc) trong xây dựng chính sách ứng phó biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, bản nguyên tắc này được Nhóm làm việc về Biến đổi khí hậu (một mạng lưới liên kết giữa các tổ chức phi chính phủ gọi tắt là CCWG) đề xuất. Nguyên tắc “Sự tham gia của người dân” và nguyên tắc “Nâng cao thích ứng cho nhóm dễ tổn thương” được thể hiện rõ nhất trong Bản tin khí hậu nông nghiệp này.

Một điều đáng buồn của nhiều dự án xã hội là khi nhóm thực hiện rút đi, cái mới  chưa kịp bén rễ vào cuộc sống đã lại tàn lụi, và mọi thứ lại quay về điểm xuất phát. Theo tinh thần “cái gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm”, những kết quả được chứng minh từ thực tế phải cần sớm được chính sách hóa, qui trình hóa, có sự kết hợp giữa các ngành, các nguồn lực, để mang lại sự phát triển bền vững.

Vì vậy mà sau tất cả những nỗ lực của những nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, và chính người dân trong dự án này, điều cần thiết nhất phải là sự ra đời của những chính sách thông tin thời tiết cụ thể ở Điện Biên, hay lớn hơn, là Kế hoạch thích ứng quốc gia, triển khai Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, mà Việt Nam cần hoàn thành trước năm 2019. Hy vọng những chính sách đó bắt nguồn từ cuộc sống của người dân, và thực sự vì họ.

MAI TRẦN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh