THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:12

Thông tin thêm về ca mổ loại bỏ ổ giòi trên đầu bệnh nhân

Theo tìm hiểu của phóng viên, cách đây 3 năm anh L. đi xuất khẩu lao động Malaysia, trong một lần làm việc bị thanh sắt rơi vào đầu, được mổ cấp cứu lấy máu tụ, ghép titan tại Malaysia. Sau đó anh L. được chuyển về Nghệ An để gia đình chăm sóc và anh L đã có thể tự đi lại được dù còn yếu nửa người trái.

Ổ mủ trên đầu bệnh nhân L bị vỡ ra, bên trong có rất nhiều giòi. (Ảnh: Bác sĩ nội trú cung cấp)

Cách đây khoảng 1 năm, vết mổ cũ của anh L. có biểu hiện sưng tấy đỏ, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên không đi khám, điều trị.

Đến ngày 25/3 vừa qua, ổ mủ trên đỉnh đầu anh L vỡ ra, người nhà thấy có giòi bò ra nên đưa bệnh nhân nhập viện tại Nghệ An rồi được chuyển ra Bệnh viện Việt Đức.

Thời điểm nhập viện bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, yếu nửa người trái. Xét nghiệm máu cho thấy, số lượng bạch cầu là 11.700. Ổ mủ trên đỉnh đầu trái đã vỡ ra rộng khoảng 2cm và có rất nhiều giòi bên trong.

Để tìm hiểu rõ hơn về ca mổ hy hữu này ở Việt Nam, phóng viên thuviensuckhoe.org đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Đức Anh, khoa Phẫu thuật Thần kinh (Bệnh viện Việt Đức), người trực tiếp thực hiện ca mổ.

Theo lời bác sĩ Anh, các bác sĩ đã làm tiểu phẫu 2 lần để làm sạch vết mổ và gắp rất nhiều giòi to như đầu đũa ra nhưng không hết và phát hiện một số ký sinh trùng đã ăn sâu vết mổ cũ.

 

Những con giòi được các bác sĩ gắp ra sau phẫu thuật. (Ảnh: Bác sĩ nội trú)

Bác sĩ Anh cho biết: “Làm tiểu phẫu chỉ làm sạch bên ngoài vết mổ, không giải quyết triệt để vấn để, nên bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu. Ca mổ diễn ra khoảng một tiếng đồng hồ loại bỏ hết dịch và 30 con giòi trên đầu bệnh nhân. Ca mổ thành công, sức khỏe bệnh nhân bình thường, tỉnh táo, không có biểu hiện gì bất thường, không sốt. Hai ngày sau bệnh nhân xin chuyển về bệnh viện tỉnh Nghệ An điều trị với lý do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn”

Theo nhận định của bác sĩ Anh, nguyên nhân khiến anh L mắc bệnh do vệ sinh cá nhân không được đảm bảo, vết mổ bị nhiễm trùng, dẫn đến mưng mủ rồi bị ruồi đẻ trứng vào ổ mủ. "Đầu tiên vết mổ bị nhiễm trùng sau đó ruồi đẻ trứng và nở thành giòi. Bình thường chu kỳ trứng giòi nở thành giòi và phát triển rất nhanh chỉ trong vòng 2, 3 ngày. Sau khi ổ mủ vỡ ra, vệ sinh, chăm sóc vết mổ lại không được tốt, điều kiện sống không tốt, môi trường sống lại nhiều ruồi nên dẫn tới vết mỗ bị nhiễm trùng"-bác sĩ Anh phán đoán.

 

Bác sĩ Nguyễn Đức Anh, khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Việt Đức, trao đổi với phóng viên.

Bác sĩ Anh cho biết thêm, đây là trường hợp rất hy hữu và là lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Rất may trường hợp của anh L, ổ nhiễm trùng và giòi nằm hoàn toàn ngoài màng cứng ngay dưới da đầu và trong trường hợp này, giòi đã giúp ích cho quá trình chống nhiễm khuẩn. Nhưng do vết mổ bị nhiễm trùng nên mảnh ghép titan trước đó của bệnh nhân tại Malaysia bị bẩn, nhiễm trùng và không thể dùng được nữa.

“ Bệnh nhân phải chăm sóc vệ sinh cá nhân, vết mổ thật tốt để vết mổ nhanh liền và dùng thuốc kháng sinh từ 4- 6 tuần. Để mổ ghép lại miếng titan thì phải đợi vết mổ ổn định, hết nhiễm trùng từ 4- 6 tháng mới có thể thực hiện. Vì bản thân miếng ghép titan là một dị vật, nếu vết mổ chưa ổn định thì không thể đưa, ghép thêm dị vật vào” bác sĩ Anh chia sẽ. 

Đỗ Đức

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh