Thống đốc Lê Minh Hưng: Những quyết định đảo chiều
- Tây Y
- 15:14 - 02/06/2016
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Ngày 09/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP và ngày 16/5/2016 ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, nhằm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyết tâm phấn đấu giữ vững mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra, trong đó tăng trưởng kinh tế năm 2016 ở mức 6,7%.
Đánh giá các hành động trên của tân Thống đốc, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng đây là động thái tích cực nhằm tạo điều kiện tối đa giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5/2016 về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016 đã xác định rõ: bên cạnh việc thận trọng trong kiểm soát vốn, tín dụng, khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp cả về vốn và lãi suất, các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.
Những động thái tích cực của NHNN thời gian qua thực sự đã đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, thị trường và các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, giúp giải tỏa căng thẳng cho cả ngân hàng và giới đầu tư bất động sản, Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN về quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã xác định lộ trình giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 50% từ 1/1/2017 đến 31/12/2017 và xuống 40% từ 1/1/2018.
Theo ông Lực, việc kéo giãn lộ trình này là phù hợp để các đối tượng trong diện điều chỉnh có thời gian thích ứng. Thêm nữa, Thông tư 06 cũng xác định giảm hệ số rủi ro của thị trường này từ mức dự kiến 250% xuống chỉ còn 200%.
Một vấn đề mà các DN xuất khẩu lo lắng suốt thời gian qua và dừng cho vay ngoại tệ. Điều này ảnh hưởng lớn đến các Dn xuất khẩu nông thủy sản vùng hạn hán, ngập mặn thuộc Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Chính vì thế, việc mở lại cho vay tín dụng ngoại tệ đã giải tỏa điều này.
Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN ngày 8/12/2015 về quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng với khách hàng vay trong nước đã được ban hành. Theo đó, nhóm khách hàng có nhu cầu vay ngoại tệ ngắn hạn nhằm thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, với điều kiện có đủ nguồn ngoại tệ tái tạo tương ứng số dư vay sẽ được tiếp tục vay vốn bằng ngoại tệ.
Không chủ quan với diễn biến lạm phát
Ngày 30/5/2016 vừa qua, tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với một số bộ, ngành về tình hình kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm 2016, các ý kiến phát biểu đều nhất trí cho rằng nền kinh tế có những chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát...
Về điều này. ông Lực cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam trong 5 tháng qua có một số khởi sắc nhất định tuy vẫn có những khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông sản, nông nghiệp và xuất khẩu bởi năm nay có nhiều biến cố về biến đổi khí hậu, môi trường, ô nhiễm...
Thông tư 06, 07 ra đời đã đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, của thị trường và của các tổ chức tín dụng.
“Trong bối cảnh đó, rõ ràng cần có biện pháp tháo gỡ. Thông tư 06, 07 ra đời đã đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, của thị trường và của các tổ chức tín dụng, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đỡ khó khăn”, ông Lực nhấn mạnh.
Và động thái trên là tạo nguồn lực cho DN phát triển kinh doanh, đã góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm nay khoảng 6,7% như mục tiêu đề ra.
Chỉ thị số 04 cũng đã xác định rõ: NHNN tiếp tục kiên định với mục tiêu chính sách tiền tệ đã đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 23/2/2016 và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát.
Những động thái trên đã cho thấy những cảm kết hỗ trợ và đồng hành DN đã được thực thi khi Chính phủ có sự phản ứng chính sách kịp thời theo phản ứng của thị trường, của đối tượng chịu sự điều chỉnh chính sách để có sự thay đổi kịp thời và hiệu quả nhất.