Thông điệp từ những bức thư Hồ Chủ tịch gửi cho Hoa Kỳ
- Tây Y
- 05:06 - 08/07/2022
Năm 1912, cách đây 110 năm, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết định đến với Hoa Kỳ. Quốc gia này vào cuối thế kỷ 18 (năm 1776) đã làm cuộc cách mạng lật đổ ách thống trị của đế quốc Anh, giành được độc lập. Đây là động lực đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành quyết định đến Hoa Kỳ để học hỏi kinh nghiệm tìm ra con đường thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do cho đồng bào mình.
Từ rất sớm, năm 1941 khi trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi trọng và mong muốn đặt quan hệ ngoại giao với nước Mỹ. Những bức thư mà Bác Hồ gửi cho Tổng thống Hoa Kỳ trong suốt thời kì hoạt động cách mạng cho đến khi trở thành Chủ tịch nước đã thể hiện điều đó.
Để xây dựng mối quan hệ Việt - Mỹ lâu dài, trên nhiều lĩnh vực, ngày 1/11/1945, trong thư gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ James F. Byrnes, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ mong muốn “gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Hoa Kỳ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Hoa Kỳ và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”. Qua đó cho thấy sự khéo léo và tầm nhìn của Người trong quan hệ với Hoa Kỳ.
Ngày 18/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Harry Truman. Người đã cảnh báo về “những hệ lụy đối với an ninh thế giới từ sự xâm lược của Pháp vào Việt Nam”. Bức thư cũng thể hiện sự đồng tình ủng hộ của Việt Nam với quan điểm Tổng thống Hoa Kỳ về nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc: “Việt Nam nồng nhiệt hoan nghênh bài phát biểu của Tổng thống Truman ngày 28/10/1945, trong đó nêu rõ các nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết được nêu ra trong các Hiến chương Đại Tây Dương và San Francisco”.
Cuối thư, Người bày tỏ hy vọng “Hoa Kỳ sẽ giúp nhân dân Việt Nam bảo vệ độc lập và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong quá trình tái thiết đất nước” và cam kết nếu nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đóng góp công sức vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.
Tiếp đó, trong thư gửi Tổng thống Harry Truman ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cũng như Philippines, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”. Chỉ sau hơn 1 năm đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “tám lần gửi thông điệp, thư, điện cho Tổng thống và Ngoại trưởng Hoa Kỳ, giới thiệu tình hình Đông Dương, đề nghị Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của Việt Nam, góp phần ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược do thực dân Pháp gây ra ở Đông Dương”. Qua đó cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dốc tâm tìm kiếm sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với nền độc lập non trẻ của Việt Nam và xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.
Nhưng có lẽ do cân nhắc giữa mối quan hệ với “đồng minh chiến lược” của Hoa Kỳ khi đó là Pháp với việc ủng hộ một Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập và đang phải đối mặt với “muôn vàn gian khó”, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nên Tổng thống Harry Truman đã chọn giải pháp im lặng trước tình cảm nhiệt thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với Hoa Kỳ.
Bức thư cuối cùng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Richard Nixon ngày 25/8/1969 về việc Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Nội dung thư Bác viết: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình. Giải pháp toàn bộ 10 điểm của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là cơ sở hợp tình, hợp lý để giải quyết vấn đề Việt Nam. Giải pháp đó đã được nhân dân trên thế giới đồng tình ủng hộ. Trong thư, Người bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy, Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài.
Kỷ niệm 246 năm quốc khánh, 27 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, những bức thư Bác Hồ gửi cho Hoa Kỳ vẫn là bài học lịch sử sâu sắc về quan hệ ngoại giao với nước Mỹ. Với những quan điểm, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam, chúng ta tin tưởng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được phát triển lên tầm cao phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước.