THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:45

Thông điệp từ chuyến thăm Nghĩa trang Lạng Sơn của Chủ tịch nước

 (Chủ tịch nước thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Lạng Sơn)

(Chủ tịch nước thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Lạng Sơn)

Trong những ngày Tháng Hai lịch sử này, có hai sự kiện diễn ra ở hai đầu đất nước.

Sự kiện thứ nhất, nhân dịp Tết Bính Thân 2016, ngày 16/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã đến thăm đối tượng chính sách, đồng bào thiểu số, lực lượng vũ trang khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước và đoàn công tác cùng đại diện lãnh đạo ban ngành của tỉnh đã tới dâng hương, dâng hoa tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Lạng Sơn để bày tỏ lòng biết ơn và tri ân công lao to lớn của hơn 400 anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến, trong đó có hơn 300 liệt sĩ ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Cùng thời điểm trên, tại một lớp học ở đảo Phú Quốc, điểm địa đầu phía Tây Nam tổ quốc, chiều 17/2, trong các tiết dạy của mình, thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên dạy văn Trường THPT An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang đã cùng với học sinh tưởng niệm 37 năm (17/2/1979) cuộc chiến tranh biên giới, bảo vệ lãnh thổ, biên cương.

Dù không tuyên bố, nhưng việc thăm bà con nơi biên giới đồng thời đặt vong hoa viếng những liệt sĩ thời điểm Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 37 năm trước của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam chính là một thông điệp. Đó là thông điệp của lòng yêu nước. Thông điệp của ý chí quật cường. Thông điệp của tinh thần độc lập. Thông điệp của tinh thần Nam quốc sơn hà “Sông núi nước Nam vua Nam ở”. Thông điệp của Hoàng đế Quang Trung: “Đánh cho biết nước Nam ta có chủ”.

Việc người đứng đầu Nhà nước dâng hoa tưởng niệm và việc các em học sinh cúi đầu tưởng niện tuy hai nhưng là một. Đó là thông điệp của dân tộc Việt Nam.

Dù đã có lúc, vì lý do này, lý do khác, chúng ta tạm gác lại một phần của lịch sử nhưng trước lịch sử, không ai bị (và được) lãng quên. Không ai “thoát khỏi lịch sử”.

Khép lại quá khứ không có nghĩa là bỏ qua lịch sử, dù có những lúc lịch sử tạm thời gác lại. Nhưng lịch sử mãi mãi là lịch sử bởi sự chân thực và tính khách quan, khoa học của nó.

Vì thế, ngày 17/2 mãi mãi là lịch sử cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Những ngày gần đây, Trung Quốc vẫn “diễn” tuồng tích cũ. Nói hòa hảo, láng giếng hữu nghị nhưng hành động thì không ngừng từng bước mưu đồ xâm lấn lãnh thổ của Việt Nam.

Họ trắng trợn triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa nhưng họ nên nhớ, tên lửa hay những vũ khí mạnh hơn cả tên lửa cũng không bao giờ đè bẹp được ý chí của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Mãi mãi còn vang lời căn dặn của Đức vua Trần Nhân Tông trong Di chúc: “Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo”.

Vì thế, bài học tháng 2/1979, mãi mãi là một thông điệp về tinh thần yêu nước quật cường của dân tộc Việt Nam mà việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các em học sinh ở đảo Phú Quốc vừa làm chính là thể hiện tinh thần thông điệp đó.

Theo Dân trí

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh