THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:05

Thời tiết chuyển mùa: Bệnh nhân nhập viện gia tăng

 

Cảnh giác viêm phổi ở trẻ nhỏ
Từ đầu tháng 9 đến nay, BV Nhi Trung ương đã ghi nhận trên 30.000 lượt bệnh nhi tới khám, trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.000 lượt bệnh nhi, tăng khoảng 25% so với bình thường. Các bệnh trẻ thường mắc trong thời gian này là bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi ở trẻ nhỏ, tiêu hóa, sốt virus, sốt xuất huyết…
Tương tự, khoa Nhi BV Bạch Mai, lượng bệnh nhi đến khám vì các bệnh hô hấp cũng tăng lên, mỗi ngày khoảng 400-500 bệnh nhân, chiếm quá nửa là các bệnh liên quan đến đường hô hấp và sốt virus, nhiều trẻ phải nhập viện nhiều lần trong thời gian ngắn vì tái nhiễm bệnh. 
Theo các bác sĩ, sở dĩ lượng bệnh nhi gia tăng vì miền Bắc đang vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết ngày nóng, sáng sớm và đêm se se lạnh khiến sức đề kháng của trẻ giảm, cộng thêm nồng độ vi khuẩn, virus trong không khí tăng lên khiến trẻ dễ mắc bệnh. Tháng 9 và tháng 10 hằng năm là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp và tiêu chảy ở trẻ em vì đây là giai đoạn chuyển mùa. Nguyên nhân là do thời tiết những ngày này thường xuyên thay đổi liên tục, khiến sức đề kháng giảm, mà cơ địa trẻ còn yếu, không thích nghi được, nên dễ mắc bệnh. Nhiều cháu tái phát bệnh về đường hô hấp nhiều lần trong thời gian ngắn. 
Đặc biệt, gần đây, rất nhiều trẻ mắc bệnh viêm phổi nhập viện. Bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ diễn biến rất nhanh, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý những dấu hiệu cần đưa trẻ đến viện ngay. Cụ thể, cần theo dõi quá trình bú, khi bé ngủ và cách thở của bé. Nếu thấy trẻ bỗng ậm ạch khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú; có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường, quấy khóc); thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường… cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám. 

Trẻ nhỏ có sức đề kháng kém nên rất dễ mắc bệnh ở thời điểm chuyển mùa
Gia tăng bệnh nhân đau mắt đỏ 
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, do thời tiết thất thường, lúc nắng kéo dài, lúc lại mưa, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh bệnh đau mắt đỏ phát triển. Đây là một bệnh rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch.Riêng Hà Nội, từ giữa tháng 8 đến nay, số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ tăng vượt so với ngày thường.
Tại BV Mắt Trung ương, số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị chiếm khoảng 11- 12% tổng số bệnh nhân đến khám của toàn bệnh viện. Đặc biệt, nhiều người đã từng bị đau mắt đỏ vẫn bị nhiễm lại chỉ sau một thời gian khỏi bệnh. 
BS Lê Xuân Thủy, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.
BS Lê Xuân Thủy lưu ý, bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay; Cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguời bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt… Do vậy, khi có người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ, người bệnh cần tuân thủ những điều sau: Lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại; Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn; Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đau mắt đỏ cần phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị, không đắp các loại lá vào mắt như lá trầu, lá dâu...
Phòng bệnh như thế nào khi thời tiết chuyển mùa?
Ở nước ta, thời tiết chuyển mùa thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.  Đặc biệt là vào các khoảng thời gian như từ mùa thu chuyển sang mùa đông, nhiệt độ môi trường giảm nhanh, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, độ ẩm không khí giảm, ít gió… làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những người sức khỏe yếu hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian chuyển mùa cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh như cảm, cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… 
Với những người mắc các bệnh mãn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là với người già và trẻ em. Vì vậy, mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật khi thời tiết chuyển mùa.
Theo những lời khuyên được Cục Y tế dự phòng đưa ra tại website của Cục, các biện pháp chính cần thực hiện khi thời tiết chuyển mùa gồm:
-Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…, hạn chế đến những chỗ đông người
- Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
-Tiêm vắc xin phòng bệnh (đối với các bệnh có vắc xin phòng).
-Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.
-Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
-Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh