THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:16

Thời điểm giao mùa, tựu trường: Nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng

Bệnh có khả năng thành dịch lớn

Theo Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9, 10. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Tiết giao mùa và bắt đầu tựu trường là thời điểm bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống.

Theo báo cáo giám sát của các địa phương từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 43.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 20.063 trường hợp nhập viện, không có trường hợp tử vong.

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc. Trên thực tế, tay chân miệng là bệnh dễ lây. Nó có thể lây qua trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh còn lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus. Đặc biệt, ngay cả khi đã khỏi, trong thời gian đầu, trẻ vẫn có khả năng lây truyền bệnh sang người khác. Chỉ cần một trẻ bị bệnh là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.

 

Tháng 9, 10 là thời điểm gia tăng trẻ mắc bệnh tay chân miệng


Theo bác sỹ Nguyễn Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, khi mắc bệnh, trẻ bị nổi các bóng nướcở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng khiến trẻ đau, chảy nước miếng. 

Khi nổi bóng nước, trẻ có thể sốt nhẹ, quấy do đau miệng, bỏ ăn. Bóng nước tự xẹp và tự khỏi sau 5-7 ngày. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay bóng nước đã xẹp. Đa số trường hợp bệnh tự khỏi, song nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71, một số trẻ có biến chứng tim mạch hô hấp, thần kinh rất nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não. Nguy hiểm hơn là các biến chứng này rất khó phát hiện sớm nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm và người nhà không chú ý.

Trẻ có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ. Trẻ có thể hoảng hốt, nói lảm nhảm, run tay chân, co giật. Triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng như sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi bông, mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng. Khi có biến chứng nếu không điều trị đúng và kịp thời trẻ có thể tử vong trong vài giờ.

Khi mắc bệnh, cần cho trẻ nghỉ học ngay

Trước dấu hiệu gia tăng của tay chân miệng, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị quan tâm triển khai chống dịch.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Người dân thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

 

Dạy trẻ rửa tay đúng cách để phòng bệnh 

Đặc biệt, các bậc phụ huynh không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi thấy trẻ có biểu hiện của bệnh tay chân miệng, cần cho trẻ nghỉ học, cách ly nguồn bệnh tránh lây lan cho trẻ khác.

Ở cấp độ 1 bệnh nhân có thể điều trị tại nhà. Khi cho trẻ ở nhà, việc xử lý chất thải của trẻ là rất quan trọng. Người nhà cần xử lý chất thải bằng dung dịch chroramin B trước khi đi vào hệ thống thải chung, trong quá trình chăm sóc cần rửa tay thường xuyên. Ngoài ra có thể hạn chế người ra vào, khử khuẩn các chất thải của bệnh nhân, cung cấp kiến thức cho người chăm sóc như găng tay, khẩu trang…

Ở cấp độ 2 trở lên phải theo dõi trong bệnh viện, nhằm phòng tránh những biến chứng nguy hiểm lên hệ thần kinh, chủ yếu là viêm não, thứ 2 là biến chứng ở hệ tim mạch như viêm cơ tim gây suy tim cấp sẽ dẫn đến ngừng tuần hoàn hay suy các cơ quan khác, phù phổi ...

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh