Thỏa thuận giữa Việt Nam - Australia về chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 02:21 - 18/02/2016
Sẽ cấp tối đa mỗi năm 200 thị thực nhiều lần cho công dân Australia
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo trước Phiên họp thứ 45 của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam (VN) và Australia về chương trình LĐ kết hợp kỳ nghỉ đã được hai bên xây dựng, thống nhất và tiến hành ký kết vào ngày 18/3/2015.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trình bày tờ trình cho ý kiến về nội dung thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Austrailia về chương trình lao động (LĐ) kết hợp kỳ nghỉ
Theo Thỏa thuận, căn cứ vào quy định, thủ tục của nước mình, Việt Nam và Australia sẽ cấp tối đa mỗi năm 200 thị thực nhiều lần cho công dân của bên kia và cho phép họ lưu trú trong thời gian 12 tháng với mục đích du lịch kết hợp làm việc. “Việc ký kết và triển khai Thỏa thuận với Australia có khả năng mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một số điểm của Thỏa Thuận về Thị thực cần làm rõ để phù hợp với Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam như không có loại thị thực dành cho mục đích du lịch kết hợp với làm việc/học tập; thời gian cho phép cư trú…
Giải trình điều này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, bản chất của “Chương trình LĐ kết hợp kỳ nghỉ” là tạo điều kiện cho công dân hai nước nhập cảnh để LĐ kết hợp tham quan, du lịch. Những người nhập cảnh theo Chương trình này (không quá 200 người mỗi năm) đều phải được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép mới được nhập cảnh Việt Nam và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xét duyệt nhân sự, thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam tại Austrailia cấp thị thực. Loại thị thực cấp cho những người tham gia Chương trình này là lao động.
“Thời hạn của Thị thực LĐ là không quá 2 năm nên thời hạn tạm trú quy định trong Thỏa thuận (12 tháng) là phù hợp”, Bộ trưởng nói và chốt lại “quy định những người nhập cảnh Việt Nam theo Chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ không trái quy định của Luật Xuất nhập cảnh”.
Mở ra cơ hội ký kết thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác
“Ủy ban Đối ngoại nhất trí về việc ký kết Thỏa thuận và cơ bản tán thành với nội dung chính của Thỏa thuận”, ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại bày tỏ quan điểm, nếu công dân Australia được cấp loại thị thực LĐ họ sẽ được kết hợp du lịch, thăm người thân, chữa bệnh tại Việt Nam mà không phải xin phép theo quy định tại Điều 44 Luật Xuất nhập cảnh.
“Đây cũng là giải pháp đã được Bộ Công an - cơ quan chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc quản lý hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đề xuất”, ông Hằng nói.
Ông Hằng cũng chỉ ra, trong bối cảnh Australia chưa chính thức hợp tác với VN về xuất khẩu LĐ; các quy định của Ustralia về LĐ nước ngoài làm việc tại Australia rất ngặt nghèo (như yêu cầu về trình độ tay nghề, điều kiện cư trú...) thì mục đích và bản chất của Thỏa thuận là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân Việt Nam sang Australia làm việc kết hợp du lịch. Tuy nhiên, đối tượng tham gia không phải là LĐ phổ thông mà phải có bằng đại học trở lên và hạn chế về số lượng.
Kết luận thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhất trí. Việc ký kết và thực hiện Thỏa thuận với Australia chủ yếu tạo điều kiện cho công dân Việt Nam sang Australia với mục đích lao động kết hợp kỳ nghỉ, đồng thời mở ra cơ hội ký kết thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước thành viên TPP.
Việc ký kết và sớm thực hiện Thỏa thuận này sẽ tạo cơ hội và khuyến khích công dân hai nước sang du lịch kết hợp làm việc, học tập, đồng thời đánh dấu sự phát triển mới của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực LĐ nói riêng và trong các lĩnh vực kinh tế xã hội nói chung. Sau khi phê duyệt, Chính phủ sẽ giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan (Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao) hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận.