CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 07:11

Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Nga

Máy bay SU -24

Các hình ảnh quay được từ kênh truyền hình quốc gia Anadolu cho thấy hai phi công đã nhảy dù sau khi phi cơ trúng tên lửa ngày 24/11.

Kênh CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ đăng tải các hình ảnh cho thấy hai phi công tiếp đất an toàn và khẳng định hai trực thăng đã được Ankara điều tới để tiếp cận họ. Kênh này cũng tổng hợp các nguồn tin địa phương cho biết một phi công đã rơi vào tay các lực lượng nói tiếng Thổ tại Syria.

Trong khi đó, các phiến quân đối lập Syria đã gửi một video cho thấy viên phi công Nga đang nằm bất động. Thủ lĩnh của nhóm này thậm chí tuyên bố viên phi công đã thiệt mạng.

Video được gửi cho Reuters bởi nhóm phiến quân đang hoạt động ở tây bắc Syria. Tuy nhiên, khu vực này không có sự hiện diện của lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo. Quan chức lực lượng nổi dậy từ chối nêu tên khi cung cấp thông tin cho Reuters. Ông ta cũng không đề cập tới phi công Nga thứ 2 trên máy bay.​​

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria có trụ sở tại London cho biết, máy bay bốc cháy và tạo quả cầu lửa khi rơi xuống khu vực đồi núi phía bắc tỉnh Latakia, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Các nhân chứng cho biết họ nhìn thấy khói đen bốc lên từ vị trí máy bay lao xuống.

Cảnh báo trước khi bắn hạ

Giới chức quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định đã cảnh báo phi hành đoàn trên chiếc máy bay Nga trước khi bắn hạ.

“Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ liên tục cảnh báo một máy bay không xác định rằng nó đang di chuyển cách biên giới Thổ khoảng 15 km. Máy bay này đã không chú ý đến những lời cảnh báo và tiếp tục bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Không quân đã đáp trả bằng cách bắn hạ chiến đấu cơ”, Guardian dẫn lời quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ.

“Trước đây, chúng tôi từng công khai quy tắc cam kế quân sự và nhắc nhở các nước rằng bất kỳ hành vi xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ đều được đáp trả theo quy tắc đã nêu. Đây không phải là một hành động chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể nào. F-16 của chúng tôi đã thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ”, vị quan chức nói.

Bộ Ngoại giao ​Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triệu tập đại sứ Nga tại ​Ankara sau vụ việc. Đây là lần đầu tiên một máy bay Nga bị một thành viên Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắn rơi kể từ năm 1950.

Tổng thống Tayyip Erdogan đã trao đổi với người đứng đầu quân đội và sẽ sớm thảo luận với Thủ tướng Ahmet Davutoglu để xử lý vụ việc. NATO cho biết sẽ tổ chức họp khẩn cấp trong ngày 24/11 ở Brussels, Bỉ, để thảo luận về vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Nga.​

a
Bản đồ khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đồ họa: CBS News

Nga bác bỏ cáo buộc vi phạm không phận

Trong khi đó, hãng thông tấn RT của Nga cho biết, một chiếc Su-24 của nước này bị bắn rơi khi đang thực hiện chiến dịch không kích IS trên lãnh thổ Syria.​​​

Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ với Reuters rằng hai chiếc máy bay Nga tiếp cận biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã được cảnh báo nhiều lần trước khi bị bắn hạ. Quan chức trên còn cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có bằng chứng cho thấy chiếc máy bay này đã vi phạm không phận liên tiếp.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, chiếc máy bay bị bắn hạ khi đang hoạt động ở độ cao 6.000 m. Nó hoàn toàn chưa xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.​

Trong một tuyên bố mới nhất, người phát ngôn điện Kremlin cho biết việc chiếc phi cơ Nga bị bắn hạ tại Syria là vụ việc vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên điện Kremlin cũng cho biết ở thời điểm hiện tại còn quá sớm để rút ra bất cứ kết luận gì.​

"Trong ngày hôm nay, tại lãnh thổ Syria, máy bay Su-24 của Nga đã bị bắn hạ tại Cộng hòa Arab Syria khi đang ở độ cao 6.000 m. Hiện số phận của các phi công vẫn chưa rõ ràng. Theo các thông tin sơ bộ, các phi công đều đã kịp thoát khỏi máy bay bằng dù. Trong suốt hành trình, phi cơ này đều bay trên không phận Syria, được ghi lại bởi các hệ thống giám sát đáng tin cậy", đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết.​

Nga đã điều trực thăng quân sự tới tìm kiếm các phi công ở khu vực máy bay bị bắn rơi. Hiện tại, chưa thể xác định tình trạng của hai phi công điều khiển chiếc Su-24 của Nga.​​​

Nikolai Levichev, phó chủ tịch Quốc hội Nga kiêm thành viên của Ủy ban các vấn đề quốc tế, cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ IS và bắn rơi máy bay Nga ở Syria. Ông Levichev cho rằng Nga nên hủy bỏ các chuyến bay qua Thổ Nhĩ Kỳ, sơ tán công dân trở về nước và so sánh vụ bắn rơi Su-24 với vụ khủng bố phi cơ thương mại trên bán đảo Sinai, Ai Cập. Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ việc.

Cùng ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết ông đã yêu cầu tham mưu trưởng quân đội cũng như ngoại trưởng nước này tham vấn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên Hợp Quốc về việc phát triển cũng như thắt chặt các biện pháp an ninh dọc biên giới với Syria. Tuy nhiên, phát biểu của ông không đề cập đến chiếc máy bay bị hắn hạ.

Hai phóng viên Nga trúng đạn cối ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ

Sau khi xác nhận sự cố với máy bay Su-24, giới truyền thông Nga đưa tin, chiếc xe chở các nhà báo RT trung đạn cối khi đang đi qua làng Al-Dagmashliya ở tỉnh Latakia - khu vực do lực lượng của Tổng thống Syria Bashar Assad kiểm soát​.

Hai phóng viên của RT là Roman Kosarev và Sargon Hadaya bị thương. Một số nguồn tin cho hay họ trúng mảnh đạn ở lưng và chân.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga có nhiều biến động. Theo Independent, tuần trước, Ankara đã triệu đại sứ Nga để phản đối việc các chiến đấu cơ của Nga ném bom xuống các làng của người nói tiếng Thổ tại biên giới Syria. Thổ Nhĩ Kỳ có lịch sử bảo vệ khu vực này, nơi có sắc dân pha trộn giữa người Syria và người Thổ.

Theo zing.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh